Lại Thị Nhật Lệ

Xử lý hành vi không đóng BHXH cho NLĐ và khấu trừ thuế TNCN thế nào?

Công ty cổ phần A có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh. Công ty TNHH B có trụ sở tại TP Đà Nẵng ( công ty B hoạt động chính là phân phối sản phẩm).Trên danh nghĩa, em chính thức vào làm việc cho công ty A vào ngày 01/10/2016 đến nay. Địa điểm làm việc tại công ty B. Công ty A trả lương cho em thông qua công ty B . Em không ký hợp đồng lao động với công ty A. Công ty B yêu cầu ký hợp đồng lao động với em.

Tuy nhiên có một số khoản kê khai trên hợp đồng lao động trên thực tế em không nhận được, chẳng hạn hợp đồng có kê khai BHXH nhưng thực tế em không có bảo hiểm nào cả. Vì vậy em đã không ký HĐLĐ với công ty B. Ngày 11/03/2017, em được nhận tiền thưởng quý IV năm 2016 với số tiền thưởng 14 triệu đồng. Công ty B trừ thuế thu nhập cá nhân của em 10%.Vậy công ty luật Minh Gia cho em hỏi trong trường hợp này em có phải chịu khoản thuế đó hay không? Nếu có thì em bị trừ thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Việc xác định chủ thể giao kết hợp đồng lao động với bạn phải căn cứ vào đơn vị thực hiện tuyển dụng bạn. Nếu Công ty A là công ty thực hiện tuyển dụng bạn thì phải thực hiện giao kết hợp đồng với bạn, việc điều chuyển, sắp xếp bạn làm việc tại công ty B là do sự sắp xếp của công ty. Tuy nhiên, trên thực tế công ty A thực hiện chi trả lương hàng tháng cho bạn nhưng công ty B lại kí kết hợp đồng với bạn do đó bạn cần liên hệ trực tiếp với bộ phận nhân sự của công ty A và công ty B về việc kí kết hợp đồng, chi trả lương để yêu cầu giải quyết, kí kết hợp đồng một cách thống nhất.

Căn cứ theo Điều 2 luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng áp dụng:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

...”

Theo đó, nếu hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn (bạn đã làm việc cho công ty từ ngày 10/10/2016) thì đơn vị (NSDLĐ) buộc phải đóng BHXH bắt buộc cho bạn. Việc thực hiện kê khai trên hợp đồng, trích trừ tiền lương hàng tháng mà không thực hiện đóng BHXH là trái quy định của pháp luật của pháp luật về bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội”. 

Như vậy, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính và bị áp dụng biệp pháp khắc phục hậu quả: truy thu thời gian trốn đóng BHXH, buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Bạn có quyền làm đơn lên cơ quan bảo hiểm xã hội, sở lao động – thương binh và xã hội về hành vi trốn đóng BHXH của công ty để yêu cầu giải quyết và xử lý.

Theo Điều 25 thông tư 111/2013/TT- BTC quy định về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế thì khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập. Đối với thu nhập của cá nhân không cư trú, đối chiếu với trường hợp của bạn (hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên) nếu bạn thuộc diện chịu thuế thì công ty B có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập từ tiền lương, tiền công, khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = thu nhập tính thuế x thuế suất

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế không bao gồm: tiền ăn giữ trưa, giữa ca; tiền phụ cấp điện thoại; thu nhập từ tiền lương, tiền làm thêm giờ, tiền công làm việc vào ban đêm được trả cao hơn so với tiền lương làm ban ngày, làm trong giờ.

Các khoản giảm trừ bao gồm: 

Giảm trừ gia cảnh: bản thân là 9 triệu đồng/ tháng (108 triệu đồng/năm). Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì người nộp thuế được lựa chọn nơi tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi trong năm tính thuế.

Phần đối với người phụ thuộc là có tính đến gia cảnh của cá nhân người nộp thuế. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/ tháng. Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo