Trần Tuấn Hùng

Xin tư vấn về giải quyết chế độ cho người lao động bị tạm giam

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia! Tôi xin hỏi Công ty Luật Minh Gia một số vướng mắc Công ty tôi đang cần giải quyết ngay (Công ty 100% vốn Nhà nước), cụ thể như sau: 1. Chủ tịch kiêm giám đốc công ty tôi vi phạm pháp luật, bị Cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh bắt tạm giam để điều tra từ 25/10/2016, quyết định khởi tố bị can 24/10/2016; UBND tỉnh đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ 31/10/2016; Với trường hợp này công ty chúng tôi...

 

... phải giải quyết các chế độ này như thế nào? Căn cứ vào nhưng quy định gì? Công ty đã thanh toán các chế độ lương, BHXH và chế độ khác đến hết 31/10/2016; 2. Trường hợp thứ 2: Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng kế hoạch kiêm Kiểm soát viên, Trưởng chi nhánh, 1 nhân viên cũng bị bắt tạm giam lần lượt 17/10/2016, 20/10/16, 25/10/2016, riêng kiểm soát biên tạm giam 7/11/16; Những trường hợp này giải quyết như thế nào? Chủ tịch mới của công ty chúng tôi đã ra quyết định miễn nhiệm các chức danh, sau đó ra quyết định tạm hoãn hợp đồng (không thỏa thuận tạm hoãn do đã bị tạm giam), chế độ đã thanh toán đến hết tháng 10/2016, chúng tôi làm như vậy có đúng không? Nếu thiếu nên làm như thế nào? căn cứ vào đâu? Rất mong quý Công ty tư vấn và trả lời sơm nhất có thể. Xin trân trọng cảm ơn! Kính thư! 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi có tư vấn như sau:

            

Thứ nhất, đối với trường hợp Chủ tịch kiêm giám đốc công ty bạn vi phạm pháp luật, bị Cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh bắt tạm giam để điều tra từ 25/10/2016, quyết định khởi tố bị can 24/10/2016; UBND tỉnh đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ 31/10/2016. Công ty bạn phải giải quyết các vấn đề về chế độ lương, BHXH cho Chủ tịch kiêm giám đốc công ty.

 

Theo quy định tại khoản 3, điều 98 Luật Doanh nghiệp 2014:Tiền lương, thưởng và quyền lợi khác của Chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và được tính vào chi phí quản lý công ty”. Chủ tịch công ty kiêm giám đốc công ty hưởng lượng theo quỹ lương của công ty và theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì cũng không được là cán bộ, công chức nên người này được coi là người lao động. Vì vậy, các chế độ về tiền lương và BHXH tuân theo các quy định của BLLĐ 2012 và Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

 

Đối với việc chi trả lương: khoản 2 điều 100 BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn trả lại số tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự". Như vậy, ngoài trường hợp tạm hoãn do người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, BLLĐ 2012 không quy định cụ thể tiền lương, chế độ BHXH cho những trường hợp còn lại trong đó có trường hợp của công ty bạn. Vậy nên, chế độ tiền lương khi chủ tịch công ty tạm ngừng công việc do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định.

 

Về chế độ BHXH: công ty có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2, điều 88 Luật BHXH 2014. Cụ thể:

 

"2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này".

 

Thứ hai, đối với Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng kế hoạch kiêm Kiểm soát viên, Trưởng chi nhánh, 1 nhân viên cũng bị bắt giam lần lượt vào các ngày 17/10/2016; 20/10/2016; 25/10/2016; riêng kiểm soát viên tạm giam 7/11/2016. Bạn không nói rõ, chức danh nào là thành viên Hội đồng thành viên, đối với những thành viên này, việc miễn nhiệm do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định. Các trường hợp còn lại không phải là thành viên HĐTV. Việc miễn nhiệm chức danh do chủ tịch mới quyết định. Đối với việc giải quyết các chế độ về tiền lương và bảo hiểm xã hội của những người này sẽ tuân theo quy định của BLLĐ 2012 và Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn( vì bạn có đề cập đến việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ)

 

Chủ tịch công ty ra quyết định tạm hoãn hợp đồng đối với những chức vụ trên là căn cứ theo quy định tại:

 

"Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

 

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự"

 

Tiền lương khi tạm hoãn HĐLĐ: khoản 2 điều 100 BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn trả lại số tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự". Như vậy, ngoài trường hợp tạm hoãn do người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, BLLĐ 2012 không quy định cụ thể tiền lương, chế độ BHXH cho những trường hợp còn lại trong đó có trường hợp của công ty bạn. Vậy nên, chế độ tiền lương khi tạm hoãn HĐLĐ do 2 bên thỏa thuận với nhau. 

 

Về chế độ BHXH, công ty có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2, Điều 88 Luật BHXH 2014: 

 

"2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này".

 

Ngoài ra, khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ thì NSDLĐ phải nhận lại NLĐ theo quy định:

 

“Điều 33. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

 

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đối với các trường hợp quy định tại Điều 32 của Bộ luật này, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

 

Như vậy, việc tạm hoãn HĐLĐ chưa làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và NLĐ. Hết thời hạn 15, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ nếu NLĐ không có mặt tại nơi làm việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin tư vấn về giải quyết chế độ cho người lao động bị tạm giam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Trần Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo