Phạm Diệu

Xin tư vấn về cách tính phép năm cho người lao động

Xin chào Luật Minh Gia! Em tên là Thủy, hiện đang làm tại công ty sản xuất giày. Luật sư cho em hỏi và tư vấn giúp em cách tính ngày phép năm cho công nhân trong trường hợp này.

Công nhân đã làm việc cho công ty từ năm 2015, công việc là đục lỗ (lỗ xỏ dây giày). Bắt đầu từ tháng 4/2016, công việc đục lỗ được nhà máy quy định là công việc độc hại. Ngày phép năm của công nhân được tính như sau:  Từ tháng 1 đến tháng 3: 3 ngày phép năm; Từ tháng 4 đến tháng 12: 10.5 ngày phép năm. Vậy tổng cộng cả năm công nhân có 13.5 ngày phép năm, làm tròn thành 14 ngày. Em tính ngày phép năm như vậy cho công nhân có đúng hay không ạ? Mong luật sư tư vấn giúp em về phương pháp tính và kết quả để đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Bởi vì bộ phận nhân sự (HR) không đồng tình với cách tính này. HR cho rằng cách tính này chỉ áp dụng cho trường hợp công nhân chưa đủ 1 năm làm việc, còn công nhân này đã đủ 1 năm thì không nên làm tròn số như vậy. Bởi vì sẽ còn có trường hợp công nhân có 13,2 ngày phép năm, tính như vậy sẽ thiệt cho công nhân. Mong Luật Minh Gia cho em câu trả lời.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Công việc được coi là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải là công việc thuộc Danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ lao động thương binh xã hội ban hành chứ không phải do doanh nghiệp quy định. Theo quy định tại Quyết định 1629/ LĐTBXH ngày 26/12/1996 thì công nhân làm công việc cắt phá, cắt gọt đã thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ năm 1996 và theo đó, số ngày nghỉ hàng năm được tính theo Bộ luật lao động như sau:

 

"1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành".

 

(khoản 2 Điều 111  Bộ luật lao động).

 

Đối với người lao động có thâm niên làm việc từ 05 năm trở lên, Điều 112 Bộ luật lao động còn quy đinh:

 

"Cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày".

 

Đối với người lao động làm viêc dưới 12 tháng, khoản 2 Điều 114 Bộ luật lao động quy định:

 

"2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền".

 

Về cách tính số ngày nghỉ hàng năm trong trường hợp này, Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết như sau:

 

"Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị".

 

Trên đây là cách tính ngày nghỉ hàng năm đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng và dưới 12 tháng, tùy vào thời gian làm việc của người lao động để áp dụng cách tính. Nếu người lao động đã làm việc đủ 12 tháng thì sẽ được nghỉ 14 ngày làm việc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 111 Bộ luật lao động cộng với số ngày nghỉ tăng thêm theo thâm niên quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động (nếu có); Nếu người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì áp dụng cách tính và làm tròn theo Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin tư vấn về cách tính phép năm cho người lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Hồ Thu Uyên – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo