LS Vũ Thảo

Xin hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh thế nào?

Xin chào công ty Luật Minh Gia. Tôi có thắc mắc muốn nhờ công ty Luật Minh Gia giải đáp giúp với ạ. Tôi là 1 công chức cấp xã, sau thời gian nghỉ chế độ thai sản tôi đi làm trở lại ngày 23/12/2014 nhưng tình trạng sức khoẻ còn yếu, chưa hồi phục hoàn toàn, còn biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu (tôi sinh mổ) nên tôi xin nghỉ dưỡng sức thai sản từ ngày 08 đến hết ngày 14 tháng 01 năm 2015 tại gia đình.

 

Sau đó tôi hoàn thiện hồ sơ gửi lên Phòng Bảo hiểm xã hội huyện xin hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức theo quy định. Sau đó Bảo hiểm xã hội huyện đã có phiếu chi số tiền nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ sau thai sản ký ngày 31/3/2015 với số tiền chi 2.012.500đ và nói là chuyển phiếu chi này cho kế toán ở xã để kế toán chuyển tiền nghỉ dưỡng sức cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng đã hỏi kế toán xã nhưng kế toán không trả lời là chi hay không chi? Và đến thời điểm hiện giờ ngày 29 tháng 02 năm 2016 nhưng tôi vẫn chưa nhận được số tiền nghỉ chế độ dưỡng sức đó. Tôi xin hỏi công ty Luật Minh Gia tôi phải làm thế nào để được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức theo quy định? Kế toán xã không chi có đúng theo quy định hay không ạ? Tôi xin trân trọng cảm ơn công ty Luật Minh Gia. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn nghỉ thai sản vào thời điểm năm 2014 - 2015 do vậy căn cứ Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

 

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phụ hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong 1 năm.

 

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

 

Điều 17 Nghị định 152/2006/NĐ-CP quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

 

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi xẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu quy định tại Điều 30 luật Bảo hiểm xã hội hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

 

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

 

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh con một lần từ 2 con trở lên;

 

b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

 

c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

 

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 1 ngày:

 

a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;

 

b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chugn nếu nghỉ dưỡng sức,phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.

 

Điều 116 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định Hồ sơ hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe gồm:

 

1. Danh sách người đã hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu do người sử dụng lao động lập.

 

2. Văn bản đề nghị giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

 

Điều 117 luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản:

 

1. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112 và Điều 113 của Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyets chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

 

2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các Điều 112, 113 và 116 của luật này.

 

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn 15 ngày , kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

Như vậy, Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán khoản trợ cấp này cho bạn. Việc cơ quan bảo hiểm không thanh toán mà chỉ ghi phiếu chi chuyển cho kế toán xã để kế toán xã thanh toán là không đúng theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo