Trần Tuấn Hùng

Xin được tư vấn về bảo hiểm xã hội

Công ty em là loại hình Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên được thành lập vào 2/2015, nhưng đến 11/2015 thì thay đổi giám đốc và thành viên góp vốn, đến tháng 2/2016 mới bắt đầu hoạt động và đang bắt đầu xây xưởng, hiện tại vẫn chưa ổn định được nhân sự, vậy Giám Đốc bên em có phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc không?

Nội dung tư vấn: Vì Trong quá trình làm việc ở công ty cũ Giám Đốc bên em đã có đóng bảo hiểm thất nghiệp và BHXH, hiện tại giám đốc đã nghỉ việc ở công ty cũ, và tham gia góp vốn mở công ty mới được hội đồng thành viên ủy nhiệm chức danh và trả lương. Vậy cho em hỏi:

Giám Đốc bên em nếu đã có sổ bảo hiểm đóng từ công ty cũ nay đã nghỉ thì có cần phải đăng ký BHXH mới không và có phải làm thêm sổ mới khi thành lập công ty mới?, hay chỉ đăng ký để được đóng tiếp BHXH?

Hiện tại nhân viên của công ty cũng chưa có ai là nhân viên ký hợp đồng chính thức, mới chỉ có 3 nhân viên có hợp đồng thử việc dưới 3 tháng, vậy có cần đăng ký bảo hiểm chưa hay phải có hợp đồng ký chính thức mới đăng ký bảo hiểm?

Nếu bắt buộc phải đăng ký BHXH mới cho Giám Đốc trong khi nhân viên chính thức chưa có, nhưng thủ tục đăng ký yêu cầu phải có danh sách lao động vậy em lập danh sách lao động thử việc, sau đó bổ sung danh sách tăng lao động (Lao động chính thức) để nộp sau được không?

Và trong trường hợp đợi hết tháng thử việc mới đăng ký thì thời gian đóng BHXH sẽ bị trễ nhiều so với ngày đăng ký giấy phép thay đổi thành viên thì công ty có bị truy thu BHXH không? Em xin cảm ơn.
 
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Tư vấn về việc Giám đốc công ty bạn có phải tham gia BHXH bắt buộc không:

 

Vì Công ty của bạn là Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và thông tin bạn cung cấp không chỉ rõ giám đốc có đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị hay không nên sẽ gồm hai trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Giám đốc công ty đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị :

 

Trong trường hợp này, lương thưởng của giám đốc công ty được quy định trong nội quy hoặc quyết định của Hội đồng thành viên theo quy định tại Điểm e Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014:

 

e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;”.

 

Như vậy, theo quy định tại Khoản 1.5 Điều 4 Quyết định số: 959/QĐ-BHXH Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế chủ tịch Hội đồng quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội, cụ thể:

 

“Điều 4. Đối tượng tham gia

 

1.5 Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương;

 

Trường hợp 2: Giám đốc công ty bạn là người được thuê để quản lý công ty, không phải là chủ tịch Hội đồng quản trị:

 

Khi này giám đốc là người lao động và được đóng BHXH bắt buộc nếu ký kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 1.1 điều 4 Quyết định số 959/QĐ-BHXH:

 

“1.2. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.”

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì Công ty bạn được thành lập vào 2/2015, đến 11/2015 thì thay đổi giám đốc. Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì giám đốc Công ty bạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

 

Tư vấn về việc Giám Đốc bên bạn nếu đã có sổ bảo hiểm đóng từ công ty cũ nay đã nghỉ thì có cần phải đăng ký BHXH mới không:

 

Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định:

 

 5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.

 

Theo đó, trong trường hợp người lao động đóng bảo hiểm ngắt quãng, không liên tục thì sẽ được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở hưởng chế độ hưu trí.

 

Trường hợp của bạn, trong quá trình làm việc ở công ty cũ Giám Đốc bên bạn đã có đóng bảo hiểm thất nghiệp và BHXH, hiện tại giám đốc đã nghỉ việc ở công ty cũ. Như vậy, vì chế độ bảo hiểm có thể được cộng dồn nên Giám đốc công ty bạn không nhất thiết phải làm sổ bảo hiểm mới. Sổ bảo hiểm tại công ty cũ sẽ được chuyển khi Giám đốc bạn chuyển công tác sang đơn vị mới và được sử dụng tại đơn vị mới. Khoảng thời gian Giám đốc bạn đã đóng bảo hiểm xã hội ở công ty cũ được cộng dồn vào thời gian đóng BHXH.

 

Tư vấn về việc người lao động có bắt buộc tham gia BHXH khi thử việc:

 

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

 

Điều 26 và Điều 27 Bộ Luật lao động 2012 quy định về thử việc và thời gian thử việc như sau:

 

Điều 26. Thử việc

 

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

 

Điều 27. Thời gian thử việc

 

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

 

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”.

 

Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể ký kết hợp đồng thử việc nhưng không bao gồm nội dung về bảo hiểm xã hội.

 

Trường hợp của công ty bạn, công ty chưa có ai là nhân viên ký hợp đồng chính thức, mới chỉ có 3 nhân viên có hợp đồng thử việc dưới 3 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian thử việc thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

 Như vậy, công ty bạn không bắt buộc phải đăng ký bảo hiểm mà có thể đợi đến khi ký hợp đồng lao động chính thức mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Nếu bắt buộc phải đăng ký BHXH mới cho Giám Đốc trong khi nhân viên chính thức chưa có, nhưng thủ tục đăng ký yêu cầu phải có danh sách lao động vậy bạn lập danh sách lao động thử việc, sau đó bổ sung danh sách tăng lao động (Lao động chính thức) để nộp sau được không:

 

Điều 21 Quyết định 959/QĐ-BHXH Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định như sau:

 

“Điều 21. Đơn vị tham gia lần đầu, đơn vị di chuyển từ địa bàn tỉnh, thành phố khác đến.

 

1. Thành phần hồ sơ:

 

1.1 Người lao động:

 

a, Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT ( Mẫu TK1-TS);

 

b, Đối với những người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Giấy tờ chứng minh.

 

1.2. Đơn vị:

a, Tờ khai cung cáp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH, BHYT ( Mẫu TK3-TS);

 

b, Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN ( Mẫu D02-TS);

 

c, Bảng kê hồ sơ làm căn cứ hưởng quyền lợi BHYT cao hơn ( Mục II Phụ lục 03).

 

2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”

 

Như vậy, nếu bắt buộc phải đăng ký BHXH mới cho Giám Đốc trong khi nhân viên chính thức chưa có, nhưng thủ tục đăng ký yêu cầu phải có danh sách lao động thì bạn có thể lập danh sách lao động thử việc, sau đó bổ sung danh sách tăng lao động (Lao động chính thức) để nộp sau.

 

Trường hợp đợi hết tháng thử việc mới đăng ký thì thời gian đóng BHXH sẽ bị trễ nhiều so với ngày đăng ký giấy phép thay đổi thành viên thì công ty có bị truy thu bảo hiểm xã hội không:

 

Căn cứ vào Quyết định 959/QĐ-BHXH Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định như sau:

 

“Điều 42. Truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN

 

1. Truy thu cộng nối thời gian

 

1.1 Các trường hợp truy thu:

 

a, Đơn vị không đăng ký đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đối với người lao động.

 

b, Người lao động quy định tại Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4 truy đóng BHXH bắt buộc sau khi về nước.

 

c, Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

1.2. Điều kiện truy thu:

 

a, Được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH kiểm tra, thanh tra, buộc truy thu; Đơn vị có đề nghị được truy thu đối với người lao động.

 

b, Hồ sơ đúng đủ theo quy định.

 

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên. Công ty bạn đợi hết tháng thử việc mới đăng ký bảo hiểm xã hội thì không thuộc trường hợp bị truy thu bảo hiểm xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xin được tư vấn về bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: La Điểm-Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo