Cà Thị Phương

Xếp lương khi nâng ngạch công chức cấp xã như thế nào?

Luật sư tư vấn vấn đề nâng bậc lương từ hệ số lương 2.26 bậc 3 trung cấp sau khi nộp bằng đại học thì hệ số lương sẽ thay đổi như thế nào? Thời gian nâng bậc lương là bao lâu?

 

Câu hỏi tư vấn: Tôi là công chức cấp xã đang hưởng hệ số lương 2.26 bậc 3 trung cấp  đến tháng 7/2020 tôi đến kỳ hạn tăng lương lên bậc 4 trung cấp là 2.46. Tôi được cấp bằng đại học vào tháng 11/2019. Vậy trường hợp của tôi xin cho hỏi:

 

1. Nếu tôi nộp ngay bằng tốt nghiệp đại học vào tháng 11 thì hệ số lương của tôi sẽ được sếp như thế nào? Và thời hạn nâng lương của tôi được tính từ thời gian nào?

 

2. Nếu tôi đợi tháng 7/2020 nâng lương lên bậc 4 trung cấp là 2,46 rồi mới đưa bằng đại học vào để phiên sang hệ số của đại học thì hệ số lương của tôi sẽ là bao nhiêu? Và thời hạn nâng lương như thế nào? Rất mong được công ty tư vấn sớm. Tôi chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là công chức xã hưởng hệ số lương 2.26 bậc 3 nên bạn đang là công chức loại B.  Đối với công chức, khi có bằng đại học thì bạn không đương nhiên được xét lương theo bằng đại học mà phải thông qua thi hoặc xét nâng ngạch lương theo đúng qui định của pháp luật. Cụ thể:

 

Thứ nhất, qui định về việc nâng ngạch

 

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định này quy định: 

 

“Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan sử dụng công chức và thông qua kỳ thi nâng ngạch theo quy định.”

 

Bạn bắt đầu được biên chế công chức loại B với bằng trung cấp, hiện tại, khi bạn có bằng đại học và muốn được công nhận là công chức đại học nên bạn cần đăng ký và thông qua kỳ thi nâng ngạch theo điều kiện quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 161/2008/NĐ-CP:

 

“a) Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;

 

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

 

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi. 

 

d) Công chức dự thi nâng ngạch phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.”

 

Khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện trên thì bạn có thể làm đơn đăng ký dự thi nâng ngạch kèm văn bằng tốt nghiệp Đại học gửi cho cơ quan quản lý công chức để được xét duyệt đưa vào danh sách nâng ngạch công chức của năm và dự thi tuyển nâng ngạch.

 

Thứ hai, qui định về hệ số lương khi nâng ngạch

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 1, Mục II của Thông tư 02/2007/TT-BNV về hướng dẫn xếp lương nâng ngạch chuyển loại công chức viên chức.

 

1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức :

 

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

 

b. Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

 

Theo thông tin bạn cung cấp bạn muốn đợi đến tháng 7/2020 nâng lương lên bậc 4 trung cấp là 2,46 rồi sau đó bạn mới nộp bằng Đại học để nâng ngạch lương thì được xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

 

Thứ ba, qui định về thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên

 

Theo khoản 1 Điều 2 của Thông tư 08/2013/TT-BNV, một trong những điều kiện để công chức được xét nâng bậc lương là phải giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh trong một thời gian nhất định như sau:

 

“ 1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:

 

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:

 

Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;

 

Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;

 

- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.”

 

Ngoài yêu cầu về thời gian giữ bậc lương, theo khoản 2 Điều 2 của Thông tư 08/2013/TT-BNV, cán bộ, công chức, viên chức còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khác mới được nâng bậc lương thường xuyên.

 

Cụ thể:

 

Đối với cán bộ, công chức:

 

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;

 

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

 

Lưu ý: Trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo