Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Xây dựng thang bảng lương đối với công việc nặng nhọc, độc hại

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì xây dựng thang, bảng lương như thế nào? Mức phụ cấp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện ra sao? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Lao động

Trong số các ngành, nghề hiện nay có sự phân định rõ về điều kiện lao động bình thường và điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong đó, điều kiện làm việc của người lao động thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho thấy các chỉ tiêu độc hại vượt tiêu chuẩn, cường độ vận động cơ bắp lớn, độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh cao. Điều kiện lao động như vậy liên tục kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý xấu cho người lao động. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của họ, pháp luật quy định các chính sách về tiền lương, chế độ ưu đãi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của họ lớn hơn so với công việc có điều kiện lao động bình thường.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người lao động và người sử dụng lao động còn gặp khó khăn khi xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này dẫn đến các bên không tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến chế độ của người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà không có điều kiện tiếp cận các quy định của pháp luật, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn xây dựng bảng lương đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Hỏi: Hiện tại bên công ty chúng tôi đang xây dựng lại hệ thống thang bảng lương cho các bộ phận làm việc trong môi trường độc hại như: Đúc, mài, đánh bóng, xí mạ,... thì bên công ty chúng tôi xây dựng như thế nào để đúng với quy định pháp luật, các bộ phận như trên thì hệ số phụ cấp độc hại khác nhau hay giống nhau, và hệ số phụ cấp độc hại như thế nào cho phù hợp với các bộ phận trên.

Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, luật Minh Gia xin trả lời bạn như sau:

Điều 90 Bộ luật lao động 2012 quy định về tiền lương như sau:

1....Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương hoặc các khoản bổ sung khác..."

"Điều 141. Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại

Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội."

Nghị định số 05/2015/NĐ - CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật lao động 2012 quy định:

"Điều 21. Tiền lương

...b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;..."

Như vậy, khi xây dựng bảng lương, những nhân viên làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, công ty bạn sẽ trả cho họ một khoản phụ cấp hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật. Mức phụ cấp và bồi dưỡng hiện vật này sẽ tùy vào sự thỏa thuận giữa phía công ty bạn và người lao động. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những quy định sau:

Nếu công ty bạn tiến hành trả phụ cấp cho người lao động, căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ -CP quy định: Khi xây dựng thang bảng lương thì mức lương và khoản trợ cấp thêm cho người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại như sau:

“3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.”

Mặt khác, với mỗi công việc, mức độ nặng nhọc, độc hại được phân loại rõ ràng tại Thông tư 36/2012/TT - BLĐTBXH, Quyết định số 1453/QĐ - LĐTBXH ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/ QĐ - BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/QĐ - BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/QĐ - BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/QĐ - BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/QĐ - BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Công ty bạn có thể tham khảo để tiến hành làm bảng lương cho nhân viên.

Nếu công ty bạn tiến hành trả bằng hiện vật, việc trả bằng hiện vật được hướng dẫn bởi thông tư 25/2013/TT - BLĐTBXH.

Ngoài ra, vì bạn không nói rõ, nếu công ty bạn là doanh nghiệp nhà nước, thì công ty bạn sẽ xây dựng chế độ phụ câp lương quy định tại Mục 3 Thông tư số 17/TT - BLĐTBXH.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xây dựng thang bảng lương đối với công việc nặng nhọc, độc hại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo