LS Vũ Thảo

Viên chức ngạch điều dưỡng kiêm nhiệm văn thư có được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm?

Xin chào Luật sư! Tôi hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế Huyện, tôi có một câu hỏi xin hỏi Luật sư, mong luật sư cho tôi đáp án để tôi có thể được hưởng quyền lợi cá nhân. Tôi là viên chức ngạch điều dưỡng nhưng cơ quan tôi chưa có cán bộ chuyên ngạch văn thư nên tôi kiêm nghiệm công tác văn thư từ năm 2015.

 

Từ đó đến nay tôi chưa được hưởng bất cứ 1 phụ cấp độc hại nào đối với công việc đang làm. Hàng ngày tôi tiếp xúc với máy phô tô, máy in rất nhiều. Tôi có ý kiến với phòng Tổ chức cán bộ thì đồng chí tổ chức cho biết cần phải đi hỏi các đơn vị bạn có chi trả hay không và làm như thế nào? Vậy luật sư cho tôi hỏi tôi có được hưởng phụ cấp độc hại hay không và có được truy lĩnh từ thời điểm tôi làm việc không? tôi xin chân thành cám ơn Luật sư, mong hồi âm!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Mục I Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định phạm vi và đối tượng áp dụng Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

 

"Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, bao gồm:

 

1. Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

 

2. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam."

 

Và Công văn 2939/BNV-TL có quy định về mức hưởng đối với người làm công việc văn thư lưu trữ như sau:



"Căn cứ quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc trong các kho lưu trữ thuộc các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước như sau:



1) Mức 2, hệ số 0,2 tính theo lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm các công việc lựa chọn, phân loại, bảo quản tài liệu và tổ chức sử dụng tài liệu trong kho lưu trữ.



2) Mức 3, hệ số 0,3 tính theo lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công việc khử trùng tài liệu, tu sửa phục chế tài liệu hư hỏng.



Cách tính trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức.



Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết./."

 

Theo quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc trong các kho lưu trữ thuộc cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì sẽ được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà không phụ thuộc vào việc người đó có kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc hay không. Mức hưởng tùy thuộc vào công việc thực tế mà người đó đảm nhiệm. Đối chiếu với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đang là viên chức ngạch điều dưỡng kiêm nghiệm công tác văn thư từ năm 2015. Nếu bạn trực tiếp làm các công việc được liệt kê như quy định trên thì tùy tính chất công việc mà bạn sẽ được mức hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm tương ứng.

 

Trường hợp bạn kiêm nhiệm công việc văn thư từ năm 2015 và đủ điều kiện để được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm mà chưa được đơn vị chi trả thì căn cứ Khoản 3 Mục III Thông tư 07/2005/TT-BNV quy định như sau:

 

"3. Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp và thường xuyên làm việc ở nơi độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư này mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thoả thuận áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm, thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có văn bản đề nghị Bộ, ngành (nếu thuộc Trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý). Trên cơ sở đề nghị của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ (kèm theo hồ sơ) để trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thoả thuận hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm."

 

Như vậy, từ năm 2015 bạn đã trực tiếp và thường xuyên làm việc ở nơi độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư 07/2005/TT0BNV mà chưa được trung tâm y tế áp dụng chế độ phụ cấp độc hại thì có thể làm đơn kiến nghị đến trung tâm để trung tâm y tế gửi văn bản đề nghị đến Bộ, ngành (nếu thuộc Trung ương quản lý) /UBND tỉnh (nếu thuộc địa phương quản lý). Khi đó bạn sẽ được xem xét hưởng và truy lĩnh số tiền phụ cấp độc hại, nguy hiểm từ năm 2015 đến nay.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Luật Lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo