Nguyễn Thu Trang

Vấn đề việc làm cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản.

Pháp luật về lao động quy định người lao động nữ khi mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được bảo vệ khi người sử dụng lao động có các hành vi xâm phạm đến các quyền lợi của người lao động. Đây là một thực trạng đã và đang diễn ra khá phổ biến, nhất là trong nội bộ các doanh nghiệp.

1. Luật sư tư vấn Luật Lao động

Con cái là sợi dây kết nối của mỗi gia đình và là nền tảng để xã hội phát triển. Chính vì vậy, để đảm bảo mục tiêu về an sinh xã hội cũng như sự hạnh phúc trong mỗi gia đình, Nhà nước luôn tạo điều kiện, chính sách để người lao động có thể yên tâm sinh con. Trong đó phải kể đến các quy định của pháp luật về bảo vệ lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Với quy định như vậy, đặc biệt là đối với lao động nữ sẽ được ưu tiên bảo vệ bởi sinh con là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng của người mẹ, hầu hết lao động nữ nào cũng sẽ ít nhất một lần trong đời sẽ sinh con.

Vậy nên mỗi người lao động cần nắm rõ quy định của pháp luật về các quyền lợi, chế độ khi mang thai và sinh con, từ điều kiện đến chế độ để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Có rất nhiều trường hợp người lao động nữ gặp phải khó khăn khi mang thai hay bởi doanh nghiệp thường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bố trí công việc khác sau khi lao động nữ quay trở lại làm việc. Khi gặp trường hợp này, người lao động không biết làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nếu bạn chưa tìm được cách giải quyết hoặc chưa tìm được những căn cứ pháp luật, bạn hãy liên hệ Tổng đài Luật Minh Gia 1900.6169 hoặc gửi yêu cầu tư vấn về Email để đội ngũ Luật sư tư vấn của chúng tôi giải đáp cho bạn. Bạn cũng có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để hiểu hơn về quyền lợi của người lao động hưởng chế độ thai sản.

2. Tư vấn về quyền lợi của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Câu hỏi tư vấn: Em làm việc tại một công ty về may mặc. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản và trở lại làm việc, công việc cũ của em đã do người khác đảm nhận, và công ty bố trí cho em làm công việc khác với mức lương và các chế độ như đối với công việc cũ. Tuy nhiên em không đồng ý với công ty mà vẫn muốn làm công việc cũ. Vậy, em xin hỏi trường hợp của em phải giải quyết như thế nào? Nếu công ty vẫn không thể bố trí cho em trở lại công việc cũ thì em có thể khởi kiện công ty không? và em có được hưởng các chế độ gì không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 158. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản

Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.”

Bộ luật lao động đã có những quy định cụ thể đối với trường hợp lao động nữ có thai: Đối với vấn đề này, việc lao động nữ sau khi trở lại làm việc khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản sẽ được đảm bảo việc làm cũ. Tức là sau khi trở lại làm việc thì người lao động nữ được ưu tiên hàng đầu là được trở lại làm công việc cũ của mình. Trừ trường hợp việc làm đó không còn nữa thì phải bố trí việc làm khác.

Như vậy, chị có thể yêu cầu người sử dụng lao động của chị bố trí, sắp xếp cho chị được trở lại làm việc tại vị trí cũ như mong muốn của chị.

Trường hợp nếu công ty không bố trí cho chị trở lại công việc cũ thì chị có thể gửi đơn khiếu nại lên công ty. Nêu như không giải quyết thì đối với trường hợp này phải thông qua hòa giải cơ sở. Sau đấy nếu như hòa giải không thành, chị không đồng ý với kết quả hòa giải có thể khởi kiện lên tòa án.

Về quy định của pháp luật đối với những trường hợp phải qua hòa giải và thủ tục hòa giải được quy định tại Bộ luật lao động 2012:

“Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia, nếu bạn còn vướng mắc hãy liên hệ đến bộ phận Luật sư của chúng tôi để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục Tố tụng cần thiết để giải quyết các quyền lợi của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo