Hoàng Thị Kim Lý

Vấn đề trả lương và ký kết hợp đồng lao động

Khi không có giao kết hợp đồng lao động thì được tham gia bảo hiểm xã hội không? Lương tối thiểu và lương cơ bản khác nhau điểm nào?

 

Em chào luật sư!Luật sư cho em hỏi về vấn đề trả lương và kí kết hợp đồng lao động ạ.

1. Về vấn đề kí kết hợp đồng.Em bắt đầu làm chính thức tại trung tâm ngoại ngữ  từ tháng 11/2016. Từ đó đến nay, giữa em và phía trung tâm chưa có bất kì kí kết hợp đồng lao động nào (vì khi yêu cầu kí thì em chưa có bằng tốt nghiệp đại học bản gốc nên không thực hiện được giao kết). Tuy nhiên, em vẫn được đóng bảo hiểm đều mỗi tháng (bắt đầu từ tháng 6/2017) với mức lương được lấy làm căn cứ là 4.125.000. Em muốn hỏi nếu giữa người sử dụng lao động và người lao động không có bất kì giao kết nào bằng văn bản, việc đóng bảo hiểm như vậy được thực hiện thế nào?

2. Về vấn đề lương cơ bảnTrong hợp đồng lao động mà công ty gửi em xem trước khi kí và bảng lương hàng tháng, công ty ghi rõ "lương cơ bản" 3.000.000". Khi được bên bảo hiểm cho biết mức lương như vậy là sai quy định, em có phản hồi lại hai lần với phía trung tâm, câu trả lời nhận được như sau: "Thuật ngữ lương có bản không có trong bộ luật lao động và chỉ có PPD còn sử dụng thuật ngữ đó. Trong Bộ Luật Lao động, họ dùng từ là lương tối thiểu. Như vậy công ty mình đang làm đúng, lương cả tháng của em nếu thấp hơn mức 4.125.000 thì em sẽ được truy thu, còn cao hơn thì thôi"" Lương có bản là công ty mình quy định, nó bao gồm lương ngày công, lương thưởng giờ dạy, thưởng dạy trải nghiệm và phụ cấp. Còn trong bảng lương, chị ghi riêng cột lương cơ bản với cột thưởng (bao gồm thưởng giờ dạy, giờ trải nghiệm, phụ cấp) là chị đang ghi sai chính tả, mong em thông cảm."Vậy luật sư cho em hỏi, thuật ngữ lương cơ bản mà trung tâm đang dùng là đúng hay sai, và định nghĩa lương cơ bản mà trung tâm em đang áp dụng (LCB = lương ngày công + thưởng + phụ cấp) có đúng quy định hay không? Biện pháp khắc phục hậu quả cho những sai phạm của công ty (nếu có) sẽ như thế nào?Em mong sớm nhận được giải đáp từ phía luật sư để sớm đòi được lại quyền lợi chính đáng cho bản thân!

Em cám ơn luật sư!-

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Vấn đề 1: Hợp đồng lao động; việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH)

 

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng lao động

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012:

 

“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

 

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

 

Như vậy, chỉ đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng các bên có thể giao kết bằng lời nói. Còn các hợp đồng khác phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp của bạn, bạn bắt đầu làm tại trung tâm từ tháng 11/2016 mà không rõ thời hạn; nhưng hai bên chỉ giao kết bằng lời nói. Như vậy, hình thức của hợp đồng không đúng với quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, về điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

 

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;…“

 

Như vậy, Người lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản thì thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Trong trường hợp của bạn: bạn làm việc tại trung tâm nhưng không giao kết hợp đồng bằng văn bản. Do đó bạn không đủ căn cứ để tham gia bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể yêu cầu trung tâm giao kết hợp đồng bằng văn bản cho mình. Còn đối với việc trung tâm đã đóng bảo hiểm cho bạn từ tháng 6/2017 sẽ coi là thời điểm bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội của bạn.

 

Vấn đề 2: Giải thích cụm từ “Lương cơ bản” “Lương tối thiểu”

 

Để giải thích cho bạn một cách tổng quan nhất, chúng tôi sự khác nhau giữa lương cơ bản và lương tối thiểu như sau:

 

Lương tối thiểu là tiền lương do chính phủ quy định, người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được phép trả lương cho người lao động (NLĐ) thấp hơn mức lương tối thiểu quy định.

 

Có 02 loại lương tối thiểu

 

Lương tối thiểu chung: lương cơ sở chính thức tăng từ 1/5/2016: 1.210.000 đồng theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

 

(Từ ngày 01/7/2017, lương tối thiểu chung chính thức tăng lên 1.300.000 đồng/tháng – Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017)

 

Lương tối thiểu vùng (có 4 vùng trong cả nước)

 

Lương tối thiểu chung = Lương cơ bản trong cơ quan hành chính sự nghiệp (tức là áp dụng cho khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước)

 

Lương tối thiểu chung < Lương tối thiểu  ≤ Lương cơ bản trong đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

 

Lương cơ bản do NSDLĐ thỏa thuận vói NLĐ được ghi cụ thể trong HĐLĐ, là cơ sở để tính tiền công, tiền lương thực lĩnh của NLĐ trong chính doanh nghiệp (DN) đó.

 

Khi DN xác định lương cơ bản phải đảm bảo: không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của chính phủ tại từng thời điểm, đối với NLĐ đã qua học nghề thì phải được cộng thêm 7% lương tối thiểu nữa.

 

Cách xác định lương cơ bản:

 

Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng: tù ngày 1/1/2017, lương tối thiểu vùng I tăng lên là 3.750.000 đồng/tháng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP 

 

Từ năm 2015 trở về trước, thuật ngữ “lương cơ bản” dùng để phản ánh khoản lương để đóng bảo hiểm, không tính các khoản phụ cấp, trợ cấp khác. Nhưng bắt đầu từ năm 2016, khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thì DN sẽ phải tham gia bảo hiểm trên cả các khoản phụ cấp.

 

Như vậy, thuật ngữ “lương cơ bản” mà trung tâm đang dùng là đúng với quy định pháp luật. Và việc áp dụng “lương cơ bản = lương ngày công + thưởng + phụ cấp” là do một bên trung tâm quy định, bạn cần ký kết hợp đồng với trung tâm và thỏa thuận lương cơ bản để phù hợp với năng lực bản thân và không ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo