LS Vũ Thảo

Tư vấn về việc không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động

Công ty hiện tại em đang làm thành lập trên 2 năm nhưng chưa nhân viên nào được đóng các loại BH theo qui định của nhà nước. Vậy có đúng quy định không!

Câu hỏi:

Công ty hiện tại em đang làm thành lập trên 2 năm nhưng chưa nhân viên nào được đóng các loại BH theo qui định của nhà nước vậy cho em hỏi.

1. Bên người sử dụng lao động đã vi phạm những điều luật nào và mức phạt là bao nhiêu?

2. Bên người lao động có quyền lợi gì? Đòi quyền lợi đó như thế nào là đúng là hợp lí, hợp pháp.

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, người sử dụng vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện.

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Căn cứ theo quy định trên thì tất cả những hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên thì đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Khoản 3 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định: “ Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Công ty của bạn đã thành lập trên 2 năm nhưng chưa nhân viên nào được đóng các loại Bảo hiểm theo qui định. Như vậy, khi bị thanh tra, kiểm tra thì Công ty sẽ bị xử  phạt vi phạm hành chính về hành vi không đóng bảo hiểm cho toàn bộ người lao động. Mức phạt  từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000.

Thứ hai, quyền lợi của người lao động về bảo hiểm xã hội và cách thức bảo vệ quyền lợi đó.

Quyền của người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong đó, quyền được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật là quyền quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong vụ việc trên quyền của người lao động đã bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại.

Khoản 4 Điều 28 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả khi có vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm bắt buộc như sau:
 

"a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này".


Căn cứ khoản 8 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì cách thức bảo vệ người lao động là tiến hành khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong tình huống trên người lao động tiến hành khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền được tham gia và hưởng chế độ hiểm xã hội của mình. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện ra vi phạm người lao động được bảo hiểm xã hội được truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong khoảng thời gian được đóng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về việc không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Trần Hiên - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo