Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động

Luật sư tư vấn về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi trước đó họ đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể như sau:

Xin chào Luật Sư Luật Minh Gia.Cháu có chút vấn đề thắc mắc liên quan đến Luật bảo hiểm xã hội mong luật sư giải đáp giúp cháuCháu tên là Nguyễn Hồng V. Cháu sinh năm 1991. Cháu đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội được 4 năm 8 tháng rồi ạ. Hiện nay cháu có chút việc liên quan đến bảo hiểm xã hội và cháu muốn tham khảo ý kiến của Luật sư ạ. Hiện tại cháu đã nghỉ việc được 1 tháng rồi. Hiện cháu không đi làm nữa. Vậy cháu muốn đóng bảo hiểm xã hội tình nguyện 4 tháng nữa cho tròn 5 năm. Tháng 7.8 cháu chuyển đổi công việc nên cháu không đóng bảo hiểm xã hội. Vậy bây giờ cháu có thể đóng bảo hiểm tự nguyện vào 2 tháng đó được không ạ. Với lại 4 tháng đóng bảo hiểm này. Cháu có thể đóng luôn 1 lần và có được tính luôn vào trong sổ BHXH không ạ. Trên đây là ý kiến cháu muốn tham khảo Luật sư. Mong luật sư chỉ giúp cháu.Cháu xin cảm ơn ạ

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 01/2016/TT- BLĐTBXH thì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: “1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

 

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

 

b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

 

c) Người lao động giúp việc gia đình;

 

d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

 

đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

 

e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

 

g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 

h) Người tham gia khác”.

 

Như bạn đã đề cập thì hiện nay bạn đã nghỉ làm và không đi làm nữa nên bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và vì vậy, bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Thứ hai, Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.”.

 

Theo đó, bạn có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 4 tháng nữa để tính tròn 5 năm đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 

Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 9, Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: “1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

 

a) Đóng hằng tháng;

 

b) Đóng 03 tháng một lần;

 

c) Đóng 06 tháng một lần;

 

d) Đóng 12 tháng một lần;

 

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần”

 

Như vậy, theo quy định đó, bạn có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng bảo hiểm nêu trên và vẫn được tính vào trong sổ BHXH như thường bạn nhé!

 

Cuối cùng là về việc tháng 7,8 bạn chuyển đổi công việc nên không đóng bảo hiểm. Đối với tình huống này, cần xem xét 2 trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất, thời gian tháng 7,8 này bạn đang chuyển đổi công việc trong phạm vi công ty và trong thời gian của hợp đồng lao động với công ty đang làm hoặc chuyển đổi công việc thuộc phạm vi công việc quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội: “b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

 

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

 

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

 

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

 

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

 

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

 

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”

 

Trong trường hợp này, bạn vẫn thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và vì vậy, theo quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn không thể tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện cho 2 tháng đó được.

 

Trường hợp thứ hai, bạn chuyển đổi công việc khác không phải phạm vi công việc như đã nếu trên. Khi đó, bạn đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và vì vậy bạn có thể đóng lại bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 2 tháng này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo