Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn về vấn đề tiền lương, tiền lương làm thêm giờ

Luật sư tư vấn về vấn đề tiền lương, tiền lương làm thêm giờ và giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.


Nội dung đề nghị tư vấn: Em chào luật sư: em có câu 3 hỏi thắc mắc muốn hỏi luật sư cho ý kiến giúp đỡ ạ:
Câu hỏi 1: em đang lái xe cho một chi nhánh. Chi nhánh đó giao cho em một chiếc xe không đủ điều kiện tham gia giao thông mà vẫn bắt em chạy xe đó em phải làm như thế nào ạ?
Câu hỏi thứ 2: em làm ở đó được 1 tháng hợp đồng bằng miệng lượng là 4 triệu 2 trăm nghìn đồng nếu em muốn xin nghỉ việc liệu em có lấy được số tiền lương 1 tháng của em không ạ?
Câu hỏi thứ 3: thời gian chi nhánh làm việc 8h/24giờ/ngày chấm công bằng vân tay. Trưởng chi nhánh cứ bắt em làm quá giờ quy định mà không chi trả thời gian em làm thêm thời gian đó em có quyền lợi gì không ạ?. và theo luật lao động thì xử phạt ai và như thế nào ạ? Xin luật sư tư vấn giúp em ạ! em xin cảm ơn ạ!

Trả lời tư vấn:  Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Sau đây là tư vấn của chúng tôi về trường hợp của bạn như sau:

Về vấn đề chiếc xe không đủ điều kiện tham gia giao thông:

Căn cứ theo khoản 4 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm :

Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, hành vi đưa các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn là hành vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính.

Trường hợp, cố tình đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn mà gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản
của người khác còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 204 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Do đó, bạn có thể từ chối lái chiếc xe đó. Trường hợp công ty vẫn bắt bạn điều khiển chiếc xe đó thì công ty ( cụ thể là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động  hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa phương tiện vào sử dụng) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp luật.

Về vấn đề hợp đồng lao động giữa bạn và chi nhánh:

Căn cứ theo điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hình thức của hợp đồng lao động như sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Như vậy, đối với  công việc tạm thời có thời hạn dưới ba tháng thì hợp đồng thỏa thuận bằng lời nói có bạn vẫn có hiệu lực và chi nhánh phải trả lương cho bạn. Theo điều 96 Bộ luật Lao động 2012 quy định nguyên tác trả lương như sau:

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
 
Về vấn đề làm thêm giờ:

Căm cứ theo điều 106, 107 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về vấn đề làm thêm giờ như sau:

Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc
theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;


c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Điều 107. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:

1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

Khi làm thêm giờ thì số giờ làm thêm trong ngày được quy định như sau: ( điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP)

a) Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;

b) Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần

Trường hợp làm thêm giờ thì người lao động được trả tiền lương làm thêm giờ. Theo điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về vấn đề tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động
hưởng lương ngày.


2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Trường hợp người sử dụng lao động không trả tiền lương cũng như tiền lương làm thêm giờ bạn có thể tiến hành giải quyết tranh chấp qua việc hòa giải tại hòa giải viên lao động.

Theo quy định tại điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về vấn đề tiền lương, tiền lương làm thêm giờ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Lương Duyên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo