Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về trường hợp công ty nợ lương, nợ tiền BHXH và không chốt sổ BHXH

Luật sư vui lòng giải đáp tư vấn giúp tôi trường hợp này. Bạn tôi công tác tại công ty A từ tháng 10/2009 đến tháng 11/2016 thì bạn tôi xin nghỉ, công ty này cũng đã ra quyết định nghỉ việc và cắt BHXH phải đóng cho bạn tôi vào tháng 11/2016.

 

Nhưng đến nay (tháng 10/2017) công ty này vẫn còn nợ bạn tôi 06 tháng lương (lương tháng 06/2015 đến tháng 12/2015). Đến nay, tổng cộng là hơn 25 triệu, và đến tháng 10/2017 vẫn không kết được sổ BHXH để trả cho bạn tôi. Khi bạn tôi tự liên hệ với cơ quan BHXH để đưa thắc mắc vì sao đến nay công ty vẫn chưa kết sổ quá trình đóng BHXH tại công ty A được thì được cơ quan BHXH đưa ra là do công ty A đến tháng 11/2016 vẫn còn nợ tiền BHXH chưa đóng. Xin hỏi luật sư trường hợp này công ty A có vi phạm vào tội hình sự không? Việc bạn tôi cần làm bây giờ là thế nào để có thể đòi lại quyền lợi cho mình? xin chân thành cám ơn luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề công ty nợ lương người lao động

 

Trước hết bạn phải xác định được thời điểm quyền lợi của mình bị vi phạm. Tức là sau thời điểm nợ lương, phía công ty có thỏa thuận về việc ngày nào sẽ thực hiện thanh toán lương cho bạn không. Sau thời điểm đó mà phía công ty vẫn không thực hiện trách nhiệm của mình và tiếp tục gia hạn thời điểm thanh toán lương đó và phía chị không chấp thuận hành vi đó của phía công ty.

Để từ đó tính thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về tiền lương giữa bạn và phía công ty.

 

Theo Điều 202 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

"1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm."
 

Kể từ thời điểm giữa chị và phía công ty bắt đầu có sự tranh chấp về tiền lương nợ này, phía chị không chấp nhận sự gia hạn thanh toán lương từ phía công ty tính đến thời điểm này mà dưới 1 năm thì có thể yêu cầu Tòa Án giải quyết tranh chấp.

 

Về thủ tục để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trường hợp này:

Trước hết, theo đúng trình tự, thủ tục, chi và các đồng nghiệp có thể làm đơn khiếu nại trực tiếp lên Ban Giám Đốc công ty để yêu cầu thanh toán lương.

Nếu vẫn chưa được giải quyết cách thỏa đáng, có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về tiền lương lên Sở Lao động thương binh xã hội để được hòa giải.

Sau đó, nếu 1 trong 2 bên vẫn chưa chấp thuận với kết quả hòa giải, hoặc phía công ty vẫn không thực hiện trách nhiệm của mình sau phiên hòa giải này, thì chị và đồng nghiệp có thể gửi đơn kiện Công ty lên Tòa Án nhân dân quận, huyện, thành phố nơi Công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

 

Thứ hai, về vấn đề công ty nợ tiền BHXH và không kết sổ BHXH cho người lao động

 

Theo quy định tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng:

Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

 

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

…”

Việc công ty không trả sổ BHXH khi đã hơn 11 tháng cho bạn nghĩa là trong trường hợp công ty cố tình không trả sổ BHXH cho bạn, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại về việc không trả sổ BHXH cho bạn.

Nếu không được thì bạn có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Phòng Lao động Thương binh - xã hội để cơ quan này giải quyết buộc công ty trả lại sổ BHXH cho bạn.

 

Về vấn đề xử phạt công ty không đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định tại điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp:

"3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này".


Theo đó phía người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền về hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bị truy thu lại số tiền trốn đóng cùng với lãi suất trong thời gian chậm đóng BHXH của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo