Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về trường hợp chấm dứt hợp đồng học việc trước thời hạn

Kính chào Luật sưTôi có kí hợp đồng học việc với một công ty Hàn Quốc sản xuất giày dép từ 26/2 đến 25/8/2018.Tức là tôi sẽ được đưa lên Công ty mẹ ở thành phố để họ đào tạo.

 

Nội dung tronghợp đồng là học các bộ phận: Marketing, Xuất nhập khẩu, Thống kê, Định mức,  Thu mua vật tư.Sau khi học Định mức 2 tuần, Xuất nhập khẩu 5 ngày, tôi được đưa xuống kho vật học cấp tốc Thống kê trong 2 tuần để rút về cty mẹ làm việc. Nhưng khi tôi bị gọi về là chưa được 2 tuần. Tôi chỉ mới làm quen với vật liệu, tiếp cận sổ sách, vi tính cũng chỉ vài ngày mà chỉ là ngồi nhìn thôi.Nên khi về  tôi không thể đảm nhận tốt vai trò Thống kê, Thủ kho thấy thế nên báo Giám đốc đề nghị đổi người mới.Đến 13h30 ngày 10/4/2018, Trưởng phòng Nhân sự đột ngột gọi tôi lên thông báolà sẽ cắt hợp đồng ngay lập tức, tôi phải nghỉ việc ngay, tiền lương khi nào kế toán làm xong sẽ gọi vào lãnh sau. Chiếu theo hợp Đồng, công ty đã không báotrước cho tôi 5 ngày.Xin luật sư tư vấn giúp tôi, Công ty làm như vậy là đúng hay sai? Tôi có được đền bù không và đền bù như thế nào?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, chấm dứt học đồng học việc:

 

Hiện nay pháp luật không có quy định về “Hợp đồng học việc”. Bộ luật lao động 2012 chỉ quy định Hợp đồng lao động, Hợp đồng thử việc, Hợp đồng đào tạo nghề. Liên quan đến việc học nghề, tập nghề, Điều 61, 62 Bộ luật lao động 2012 quy định tại:

 

Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

 

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

 

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

 

3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

 

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

 

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

 

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

 

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

 

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Nghề đào tạo;

 

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

 

c) Chi phí đào tạo;

 

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

 

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

 

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

 

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

 

Bản chất của hợp đồng học việc là người sử dụng lao động tiến hành đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người lao động chưa có kiến thức và/hoặc kỹ năng đối với công việc yêu cầu để người lao động có thể tự làm việc sau khi hoàn thành khóa học.

 

Theo đó, nếu người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề (thực tế còn được thể hiện bằng Hợp đồng học việc, Cam kết đào tạo). Do đó, bạn kí hợp đồng học việc với công ty Hàn Quốc với mục đích sau khi học việc xong bạn sẽ làm việc cho công ty thì đây được coi là một loại học nghề theo quy định của Điều 59 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) và hợp đồng học việc của bạn tương đương với hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại Điều 62 BLLĐ.

 

Về vấn đề công ty chấm dứt hợp đồng nhưng không thực hiện nghĩa vụ báo trước là 5 ngày như hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì việc chấm dứt đã vi phạm hợp đồng.

 

Thứ hai, về vấn đề bồi thường:

 

Về vấn đề bồi thường chi phí đào tạo cũng vậy, căn cứ theo hợp đồng học nghề nếu có thỏa thuận việc bồi thường chi phí đào tạo nghề nếu chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề trước thời hạn thì phía công ty sẽ phải bồi thường theo đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo