Luật sư Dương Châm

Tư vấn về tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch

Cán bộ là người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Quy hoạch cán bộ là kế hoạch tổng thể, dài hạn về đội ngũ cán bộ. Vậy tại sao cần phải thực hiện việc quy hoạch cán bộ? Tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch là gì? Công ty Luật TNHH Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật cán bộ, công chức

Quy hoạch cán bộ là công tác nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước. Việc quy hoạch cán bộ có ý nghĩa quan trọng đối với bộ máy nhà nước, toàn xã hội. Tuy nhiên, việc quy hoạch cán bộ cần được thực hiện công khai, minh bạch nhằm đảm bảo việc lựa chọn các cán bộ xuất sắc về mọi mặt để tiếp tục thực hiện công tác, nhiệm vụ và tránh các hành vi đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật,... Do đó, các tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch được đặt ra.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.6169 để được hỗ trợ tư vấn.

2. Tư vấn về tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch

Câu hỏi: Tôi năm năm 40 tuổi và hiện đang công tác tại Ban quản lý dự án của một huyện ở tây nguyên. Năm 1996 tôi thi trượt tốt nghiệpTHPT sau đó tôi không tiếp tục thi nữa và đi học trung cấp chuyên nghiệp ( theo hệ 3 năm dùng bằng tốt nghiệp THCS ) sau khi ra trường xin vào công tác trong nhà nước cho đến nay.

Năm 2010 tôi dùng bằng tốt nghiệp THCN để thi vào đại học và tiếp tục đi học lớp đại học tại chức kỹ thuật cầu đường nay đã có bằng. Tôi xin hỏi như trường hợp của tôi đã có bằng đại học rồi nhừng không có bằng tốt nghiệp cấp 3 và chỉ có giấy xác nhận đã học xong chương trình cấp 3 thì theo quy dịnh pháp luật có đủ điều kiện và tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch cán bộ Lãnh đạo không ? và hiện nay việc quy hoạch căn cứ vào văn bản nào ?

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Hiện nay về điều kiện và tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch được quy định tại Nghị quyết số 42-NQ/TW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày 30 tháng 11 năm 2004 và được hướng dẫn tại Hướng dẫn 15-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TW và Kết luận 24-KL/TW do Ban Tổ chức Trung ương ban hành ngày 05/11/2012 .

Cụ thể tại Điều 1, Mục III Nghị quyết 42 quy định như sau :

1. Tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch

Căn cứ để đưa cán bộ vào quy hoạch là tiêu chuẩn chung và các tiêu chuẩn của từng loại cán bộ đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực của cán bộ phải được cụ thể hoá để đáp ứng yêu cầu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thích hợp với mỗi bước phát triển của thực tiễn cách mạng.

Trong điều kiện hiện nay, tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đưa vào quy hoạch phải được đánh giá thông qua các yếu tố cơ bản sau:

- Năng lực thực tiễn, thể hiện ở kết quả và hiệu quả công việc, tinh thần chủ động, sáng tạo, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ; năng lực tổ chức, điều hành để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

- Đạo đức, lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống chủ nghĩa cá nhân; bản thân cán bộ và gia đình phải gương mẫu chấp hành đúng pháp luật, không lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng.

- Ham học hỏi, cầu tiến bộ, qua thực tế cho thấy là cán bộ có triển vọng vươn lên đảm nhận nhiệm vụ cao hơn; chú ý phát hiện, xem xét đưa vào quy hoạch những nhân tố mới, cán bộ trẻ; được đào tạo cơ bản; đã kinh qua công tác thực tế ở địa phương, cơ sở; năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có nhiều triển vọng phát triển.

Các địa phương, các ngành, các cấp có trách nhiệm căn cứ các tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trên và nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho các chức danh cán bộ cấp mình quản lý, sử dụng; đồng thời, dựa trên các tiêu chuẩn đó mà tiến hành đánh giá cán bộ hiện nay và triển vọng cán bộ đó để đưa vào quy hoạch.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, cán bộ đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý còn cần được đào tạo, bồi dưỡng và phải là những cán bộ có triển vọng để khi được bố trí vào chức vụ quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu
cụ thể sau đây:

- Kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới:cán bộ lãnh đạo cấp trên nói chung phải kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới; hoặc tuy chưa kinh qua chức vụ chủ chốt cấp dưới nhưng có năng lực thực tiễn và có triển vọng phát triển rõ rệt.

- Về độ tuổi: những đồng chí lần đầu tham gia cấp uỷ, ban lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ; những đồng chí tiếp tục đảm nhiệm chức vụ hiện giữ nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ hoặc ít nhất được 2/3 nhiệm kỳ; những trường hợp này cần xem xét con người và hoàn cảnh cụ thể để quyết định; không máy móc, cứng nhắc về độ tuổi.

- Về trình độ đào tạo: cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên nói chung phải tốt nghiệp đại học và có trình độ cao cấp lý luận chính trị; đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; đồng thời quan tâm đến các đồng chí tuy không được đào tạo cơ bản theo quy định, nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; những đồng chí là cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ cần xem xét vận dụng một cách thích hợp.

Theo đó về trình độ đào tạo đối với cán bộ cấp huyện trở lên là phải tốt nghiệp đại học. Như vậy đối với trường hợp của bạn nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì việc bạn hiện tại không có bằng tốt nghiệp THPT cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch. Vì trên thực tế thì người ta yêu cầu có bằng đại học và cái bằng trung cấp chuyên nghiệp nó cũng có giá trị tương đương như bằng tốt nghiệp THPT hay bổ túc THPT.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo