Mạc Thu Trang

Tư vấn về thuê lao động không ký hợp đồng lao động và trách nhiệm với NLĐ khi xảy ra tai nạn lao động

Tai nạn lao động là điều mà không bên nào mong muốn. Vậy trách nhiệm của người sử dung lao động trong trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động do lỗi của người sử dung lao động được pháp luật quy định như thế nào? Đối với trường hợp thuê lao động thông qua bên thầu thứ ba không ký hợp đồng lao động thì giải quyết quyền lợi cho người lao động như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia như sau:

1. Tư vấn quy định của pháp luật về tai nạn lao động

Tai nạn lao động là rủi ro mà người lao động có thể phải đối mặt khi tham gia lao động. Trong quá trình tham gia là việc, vì những sơ suất hoặc thực hiện không đúng quy trình có thể dẫn đến xảy ra tai nạn lao động. Khi xảy ra tai nạn lao động thì trách nhiệm của người sử dụng lao động được pháp luật quy định như thế nào? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này có thể liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

- Trường hợp nào được xác định là tai nạn lao động?

- Nếu không ký HĐLĐ thì người lao động có được giải quyết quyền lợi khi xảy ra tai nạn lao động không?

- Không ký HĐLĐ thì bị xử lý như thế nào?

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì khi người lao động bị tại nạn lao động?

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm tại một số tình huống tư vấn sau đây:

2. Tư vấn về trường hợp người làm thuê không ký HĐLĐ bị tai nạn lao động

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư ạ. Luật sư cho em hỏi, ba em làm xây dựng, những người thợ chính đều có hợp đồng lao động bình thường, nhưng sau đó có mướn 1 người thợ làm  thuê thông qua 1 bên thàu khác nhưng không kí hợp đồng lao động. Do sơ suất và vi phạm về thi công nên không may anh lao động bị tử vong tại công trường ba em giám sát . Luật sư cho em hỏi là trách nhiệm pháp lý và mức xử phạt của ba em ạ ba em cũng đã lo về phần mai táng và chu cấp rồi ạ! 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Trường hợp 1: Bố bạn là bên trực tiếp thuê người lao động

- Về vấn đề chưa ký hợp đồng lao động:

Theo Điều 16 Bộ luật lao động 2012 quy định về Hình thức hợp đồng lao động như sau:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”.

Như vậy nếu công việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên mà bố bạn không ký hợp đồng lao động thì hành vi của bố bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

- Về vấn đề trách nhiệm người sử dụng lao động với người lao động bị chết do tai nạn lao động được thực hiện theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:

“Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

...”

Như vậy, trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động thì ngoài các trách nhiệm theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 nêu trên người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động. Trường hợp tai nạn xảy ra do lỗi của người lao động thì người sử dụng lao động trợ cấp ít nhất bằng 40% của 30 tháng tiền lương theo quy định.

Ngoài ra, người lao động có thể được hưởng khoản trợ cấp do quỹ bảo hiểm thanh toán theo quy định tại Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015:

“Điều 53. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội.”

Tuy nhiên, đối với trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. (Khoản 4 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động)

Về vấn đề vi phạm quy định về an toàn lao động, do bạn không nói rõ rằng hành vi vi phạm về thi công cụ thể là hành vi gì do đó chúng tôi không thể tư vấn về mức xử phạt cho bạn, bạn có thể xem xét quy định tại Điều 16, 17 NĐ 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn lao động, vệ sinh lao động và vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để biết chi tiết hơn.

Trường hợp 2: Bố bạn chỉ là bên giám sát lao động, không phải người sử dụng lao động

Trường hợp này do bố bạn không phải người sử dụng lao động nên không có trách nhiệm ký hợp đồng lao động với người lao động và cũng có không có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động. Vì vậy bố bạn không có nghĩa vụ bồi thường, cho người lao động cũng như không bị xử phạt vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện. aTrường hợp bố bạn có lỗi khi thực hiện công việc của mình dẫn đến xảy ra tai nạn lao động cho người lao động kia, bố bạn có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại do hành vi vi phạm của bố bạn gây ra.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo