Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về thư mời làm việc và chấm dứt thỏa thuận thử việc

Thử việc là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử một công việc nhất định nhằm giúp người sử dụng lao động đánh giá năng lực của người lao động hay giúp người lao động làm quen, thích ứng với công việc. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề thử việc? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn thử việc? Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật lao động

Thử việc là quan hệ được thừa nhận làm cơ sở để tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với người lao động. Hợp đồng thử việc không bắt buộc phải lập thành văn bản.

Khi giao kết hợp đồng thử việc, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian thử việc dựa trên cơ sở pháp luật lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ quy định của pháp luật về thử việc dẫn đến tình trạng nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Để tránh các tranh chấp không đáng có xảy ra, bạn cần nắm rõ các quy định pháp luật về thử việc cũng như việc thỏa thuận đầy đủ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thử việc. Nếu bạn còn vướng mắc về hợp đồng thử việc chưa được giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn. Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

2. Tư vấn về hợp đồng thử việc

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính gửi: Quý luật sư ! Trường hợp của tôi thật sự không biết phải trình bày như thế nào cho phải, tôi thấy rất bức xúc và thật không cam lòng với cách hành xử của chủ doanh nghiệp ( đơn vị chủ lao động). Xin chia sẽ sơ lược như sau:

1.      Tôi có thâm niên hơn chục năm trong kinh doanh và tiếp thị BĐS, hiện đang công tác bên tập đoàn lớn về BĐS có vị trí quản lý cấp cao. Nhưng do tính chất công việc hiện tại phụ trách bên khối vận hành nên thu nhập không theo hiệu suất ngoài lương cố định. Gần đây BLD một công ty có mời kéo Tôi về xây dựng hệ thống kinh doanh cho đơn vị họ với mô hình kinh doanh Công nghệ BĐS mới thành lập vài tháng chưa thành công. Cam kết lương cao và hoa hồng % trên toàn hệ thống. Tôi mong đợi, có gửi offer qua mail Tôi từ mail cá nhân của Giám Đốc Kinh Doanh - Cũng là cổ đông sáng lập ( cũng là người thuyết phục tôi về). Vấn đề là gửi mail không kèm file có mọc dấu của CEO công ty đó thì liệu có hiệu lực như văn bản có xác nhận CEO cty đó không? 

2.      Khi tôi nhận được offer và nhiều lần đến vp trao đổi tôi quyết định nhảy việc, chấp nhận bỏ phần lương cty cũ. Nhưng khi vào nhận việc 1 ngày thì anh GĐKD bảo là giện tại anh chỉ xin duyệt được lương cố định cho Tôi thôi, % hệ thống phải 03- 06 tháng sau anh đảm bảo sẽ thuyết phục HĐQT được. Điều quan trọng nữa là thay vì Tôi ký hđ chính thức đảm nhiệm vị trí Quản lý cấp cao như thảo thuận thì giờ đây Tôi phải ký HĐ thử việc đến 03 tháng như tất cả mọi người. Nhưng nên làm vậy cho có khuôn khổ , tổ chức chung Tôi đã không còn đường lui về đơn vị cũ được nữa nên đã đồng ý luôn vì tin rằng anh ấy là cổ đông 40% và Phó CT HĐQTcty này và đang phụ trách toàn quyền kinh doanh. Tạm thời kiêm GĐKD luôn.

3.      Vì đặc thù là công cty công nghệ nên không ký hợp đồng lao động gì cả mà chỉ sử dụng phần mềm quản lý nhân sự tự họ viết luôn. Nội dung thể hiện rõ thỏa thuận là mức lương, vị trí và thời hạn thử việc là 03 tháng. công việc tại công ty là tôi sẽ làm Phó Giám Đốc ( phụ trách phát triển kinh doanh), lo mở rộng hệ thống trên 10 sàn BĐS ( hiện họ có 1 sàn tại trụ sở). Vấn đề là toàn hệ thống không dùng hợp đồng lao động như thông thường mà trên ứng dụng phần mềm ( ....) tự viết, liệu có giá trị pháp lý không?

4.      Tôi làm việc được 10 ngày, tập trung tuyển dụng ít nhất 05 Giám Đốc Sàn từ các cty khác về ( chủ yếu bằng mối quan hệ cá nhân từ trước), đã phỏng vấn và chốt hẹn đi làm. Và hoàn thành các bản kế hoạch kinh doanh cho hệ thống, xây dựng qui trình và các chương trình đào tạo cho công ty xong được duyệt thông qua. Nhưng sau đó một ngày Anh GĐKD ( cổ đông kiêm phó chủ tịch HĐQT) lại bảo riêng tôi là hiện tại nội bộ cổ đông đang có vấn đề lớn về quyền lực bởi nhiều yếu tố nội bộ, cụ thể là CEO ( cổ đông 60%,kiêm CTHĐQT) muốn giao Cô bạn Giám Đốc Sàn tại trụ sở ( dưới quyền Tôi) làm GĐKD thay anh ta. Anh ấy bức xúc muốn giải quyết dứt điểm để lấy lại quyền kiểm soát GĐKD giao Tôi đảm nhiệm, anh muốn Tôi tạm thời nghĩ phép 1 tuần để thu xếp nội bộ. Và nhờ mấy việc riêng cho cá nhân anh ấy bên ngoài, bảo em không cần ghé công ty để Anh giải quyết nội bộ. Anh ấy cũng sẽ báo như thế với CEO. Tính Tôi cẩn thận nên Trước khi nghĩ Tôi có xin gặp riêng CEO để báo là GĐKD yêu cầu thế nên Tôi muốn xin ý kiến CEO ( sợ không báo lại sai phạm) và CEO bảo cứ làm theo GĐKD vì anh ta không can thiệp vào thẩm quyền của người khác ( Cho là Tôi làm Phó Giám Đốc phụ trách Kinh Doanh là thuộc quyền chỉ đạo của anh Phó Chủ tịch kiêm GĐKD, người trực tiếp tuyển Tôi về), Tôi đành nghĩ phép.

5.      Sau hai ngày tôi nhận được cuộc gọi của Thư ký cty báo là mời Tôi lên bàn giao công viêc và nhận lương 10 ngày làm việc. Vô cùng ngở ngàn và khó hiểu Tôi tìm gặp CEO nhưng anh ấy không tiếp bảo việc của anh cứ làm việc với anh GĐKD? Tôi hỏi trực tiếp anh này thì anh bảo Tôi qua cty riêng của a ấy nói chuyện. Anh ấy bảo anh bị lừa ( bị gạt để rót vốn vào đầu tư) giờ nguy cơ mất vốn. Nói chung chia sẽ rất nhiều về chuyện cá nhân các vị và cuối cùng xin lổi Tôi mong Tôi tìm việc khác và bảo là giờ Anh không nắm quyền GĐKD nữa ( vị trí này giao cho cô GĐ Sàn là nhân viên Tôi hướng dẩn công việc trong 10 ngày mới vào làm việc).Giờ Tôi có đồng ý hay không cũng không được, họ chuyển đủ 10 ngày lương cho Tôi ngay sau cuộc nói chuyện sáng hôm đó. Anh GĐKD chỉ thuyết phục Tôi thông cảm cho Anh ấy và nghỉ việc. Mong Tôi sớm tìm việc khác. Bản thân anh ấy cũng không vào công ty nữa vì CEO đã giao quyền GĐKD cho cô GĐ Sàn , không tôn trọng anh ấy.

Giờ Tôi phải làm sao đây ? Các tài khoản quản lý cá nhân Tôi sử dụng các phần mềm và công việc họ tự xóa luôn, Tôi không thể truy cập vào gì cả không kịp in ra các thông tin cá nhân đã thỏa thuận. Giờ Tôi có nên quay vào cty yêu cầu thực hiện cam kết là làm tiếp như thỏa thuận 03 tháng thử việc không? Lương họ chuyển trả 10 ngày lương chẳn đáng là bao trong khi Tôi bị tổn thất quá lớn tính ra cả trăm triệu đồng.

6.      Hoàn toàn là chuyện cá nhân giữa HĐQT với nhau, riêng cá nhân Tôi khẳng định hoàn toàn không làm sai và thậm chí toàn bộ kế hoạch kinh doanh tâm quyết tôi xây dựng cho hệ thống, giờ cô GĐ Sàn tiếp quản triển khai, các mối quan hệ tôi kéo về cty hoàn toàn vì quan hệ cá nhận giờ họ được ngồi vào những vị trí Quản lý Sàn theo sự bố trí của CEO và GĐKD mới, Tôi lại ra đi với tổn thất khá lớn về tinh thần, tài chính.

7.      Thời gian tuần qua Tôi tìm hiểu từ nhân viên trong cty thì biết giữa họ vẩn vui vẻ bình thường, không hề có mâu thuẩn gì gay gắt như a Phó CT chia sẽ cả. Tôi đã tìm gặp hỏi sự việc thì anh ta bảo “ chịu đám ăn xôi” vì sợ mất % vốn của mình. Xin hỏi theo luật lao động hiện hành, Tôi nhận 10 ngày lương như thế thay vì ít nhất 03 tháng thử việc như thỏa thuận ( không ký văn bản mà thể hiện trên phần mềm nhân sự của cty họ viết ra quản lý), Tôi có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại không?  Kính mong quý luật sư tư vấn giúp Tôi nên làm gì cho đúng, và đơn vị họ đã hành xử như thế, gây cho Tôi tổn thất lớn. Tôi có quyền và đủ điều kiện để kiện họ ra tòa đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình không? Ít nhất có nhận được mấy tháng lương thử việc không? Trân trọng

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn từng vấn đề theo thứ tự câu hỏi như sau: (Thông tin và tình huống người hỏi đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư của người hỏi):

1. Về giá trị của thư mời làm việc khi không có đóng dấu của công ty:

Thông thường thư mời làm việc do Công ty ban hành được coi là thông báo tuyển dụng của công ty đến người lao động nên khi ban hành vẫn cần đảm bảo hình thức của văn bản. Nếu không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền cùng con dấu của công ty thì không được coi là văn bản do Công ty đó ban hành. Do đó, file thư mời làm việc mà a/c đã nhận không được xác định là văn bản hợp lệ do Công ty đó ban hành. 

Tuy nhiên, thư mời làm việc không có giá trị pháp lý là một hợp đồng lao động hay một giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận và xác lập. Nên khi các bên giao kết HĐLĐ trên thực tế, phía công ty có quyền tự mình thay đổi các thông tin hay chế độ đã đưa ra trong thư mời làm việc mà không được coi là vi phạm hợp đồng. Khi có sự thay đổi đó, a/c có quyền từ chối giao kết HĐLĐ.

2 - 3 Về việc đồng ý thử việc và hợp đồng thử việc không được lập thành văn bản.

Theo nội dung thư mời làm việc, thì a/c sẽ được tuyển dụng chính thức và ký kết HĐLĐ mà không cần qua thử việc. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận những nội dung làm thay đổi thông tin của thư mời làm việc để phù hợp với nhu cầu của cả hai bên. A/c đã đồng ý với thỏa thuận thử việc mà công ty đưa ra nên a/c có trách nhiệm thực hiện theo đúng nội dung thỏa thuận.

Điều 26. Thử việc - Bộ luật lao động 2012 quy định: 

"1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc."

Căn cứ theo quy định trên, thì thỏa thuận thử việc không bắt buộc phải lập thành văn bản mà có thể được xác lập bằng lời nói. Nên việc công ty chỉ ghi nhận thỏa thuận thử việc trên dữ liệu điện tử nội bộ của công ty vẫn được coi là hợp pháp. 

4. Về việc xin nghỉ phép: A/c nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian 1 tuần và đã nhận được sự đồng ý của người có thẩm quyền trong công ty nên việc này không phát sinh sai phạm. 

5-6. Về việc chấm dứt thỏa thuận thử việc với lý do cá nhân. 

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc - Bộ luật lao động 2012 quy định: 

"1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận."

Căn cứ theo quy định trên, trong thời gian thử việc nếu xét thấy không một trong các bên không đạt yêu cầu thử việc thì a/c và công ty đều có quyền chấm dứt thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là không đạt yêu cầu thử việc mà các bên đã thỏa thuận do chính người sử dụng lao động đánh giá, xem xét. Nên để chứng minh việc công ty chấm dứt thỏa thuận thử việc với a/c là vì lý do cá nhân chứ không phải vì lý do a/c làm việc không đạt yêu cầu để làm căn cứ yêu cầu bồi thường là việc rất khó và không đủ cơ sở để xác định trên thực tế. 

7. Về việc thanh toán lương thử việc: Khi chấm dứt thử việc, công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lương đầy đủ cho a/c tương ứng với ngày công lao động thực tế a/c đã làm việc. A/c cũng lưu ý, việc yêu cầu công ty buộc phải bồi thường tiền lương tương ứng 3 tháng thử việc là không có căn cứ. 

Chúng tôi hiểu được sự bức xúc mà a/c đang có trước những hành vi của công ty đối với mình. Tuy nhiên, xét ở góc độ pháp luật thì những hành vi này chưa đến mức vi phạm và phát sinh trách nhiệm bồi thường. Do đó, a/c nên cân nhắc kỹ lưỡng sự việc trước khi muốn khởi kiện hay khiếu nại để giải quyết khúc mắc giữa hai bên.

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo