Cà Thị Phương

Tư vấn về thay đổi hợp đồng lao động khi tái cơ cấu

Tôi đang làm trong 1 Trung tâm thuộc Viện nghiên cứu với hình thức hợp đồng không xác định thời hạn ký với Viện. Hiện nay, Viện đang có chủ trương tái cơ cấu lại Trung tâm của tôi, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ đưa ra chủ trương chứ chưa có đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, Viện lại muốn chuyển 1 số nhân sự của Trung tâm (trong đó có tôi) sang loại tập nghề hoặc đào tạo nghề (với phụ lục ký kèm theo hợp đồng là 11 tháng).

Hỏi: Trong khi tôi đã có thâm niên làm đúng ngành nghề 13 năm (từ năm 2003); Trình độ chuyên môn là Tiến sĩ; Bậc lương đang hưởng là Chuyên viên chính; Viện muốn chuyển tôi sang phụ lục đào tạo nghề tại 1 trung tâm khác cũng thuộc Viện, cũng đúng chuyên ngành tôi đang làm. Vậy, xin hỏi là Viện làm như thế có đúng quy định pháp luật không, và nếu sai thì sai ở mức độ nào? Chúng tôi có quyền khiếu nại theo Luật lao động không? 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động
 
1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;

c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.”

Căn cứ Điều 44 Bộ luật lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
 
“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.” 
 
Các phương án sử dụng lao động được quy định tai điểm a khoản 1 Điều 46 Bộ luật lao động 2012 như sau:
 
"1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;

b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;

c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

2. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở."


* Như vậy, nếu cơ quan bạn đang công tác thực hiện tái cơ cấu theo các trường hợp trên, việc đề ra và thực hiện đúng phương án sử dụng lao động, chuyển một số nhân sự sang hệ đào tạo nghề để tiếp tục sử dụng là có thể xảy ra. 

* Trong trường hợp không rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, thì công ty phải thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký 

Phụ lục kèm theo hợp đồng chỉ có hiệu lực khi có sự đồng ý của cả lãnh đạo cơ quan bạn và bạn. Bạn có quyền không đồng ý hoặc không đồng ý ký phụ lục này, khi đó không có sự đồng ý của bạn, hợp đồng lao động không bị thay đổi. Trong trường hợp này, này nếu cơ quan cố tình vi phạm hợp đồng, bạn có quyền khiếu nại.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thay đổi hợp đồng lao động khi tái cơ cấu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Nguyễn Hoài Thu - Công ty Luật Minh Gia
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo