LS Hoài My

Tư vấn về tai nạn lao động

Ngày 27/12/2015 Công ty em có Công nhân ký hợp đồng vụ việc (3 tháng và không đóng bảo hiểm) đang trên đường đi làm về thì bị Xe mô tô (Xe máy) lao vào gây tai nạn, Có biên bản khám nghiệm hiện trường của công an và tình trạng thương tích là: Lá lách độ III. Sau khi xảy ra tai nạn bên người điều khiển xe mô tô thỏa thuận với người bị tai nạn và đã bồi thường 15.000.000 đồng.


Nhưng chi phí trong quá trình điều trị và mua thuốc điều trị hết khoảng 11.000.000 đồng. Vậy cho em hỏi:

+ Tai nạn trên có được gọi là tai nạn lao động không?

+ Chi phí viện phí và thuốc trong quá trình điều trị thì ai phải chi trả. Công ty có phải thanh toán số tiền 11.000.000 đồng cho công nhân bị tai nạn đó không.

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

-Thứ nhất là tai nạn trên có phải là tai nạn lao động không:

Điều 142 Bộ luật lao động 2012 quy định về Tai nạn lao động như sau:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.

……………………………………………………..”

Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

“Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”

Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Theo thông tin bạn cung cấp thì công nhân đó bị tai nạn trên đường đi làm về và bị thương tích là lá lách độ III. Vì vậy, công nhân đó bị tai nạn trên tuyến đường đi làm về nên vẫn được coi là bị tai nạn lao động.

-Thứ hai là chi phí viện phí và thuốc trong quá trình điều trị do ai chi trả:

Điều 144 Bộ luật lao động 2012 quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.”

Theo quy định trên thì khi công nhân bị tai nạn lao động và không đóng bảo hiểm nên người sử dụng lao động sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Vì vậy, Công ty bạn phải thanh toán số tiền 11.000.000 đồng chi phí trong quá trình điều trị và mua thuốc điều trị cho công nhân bị tai nạn đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về tai nạn lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Tú Hiền – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo