Nguyễn Ngọc Ánh

Tư vấn về quyền, nghĩa vụ trong thời gian thử việc của NLĐ

Chào luật sư,Em có một vài thắc mắc về luật lao động nhờ luật sư giải đáp giúp được không ạ?Em đang thử việc tại 01 công ty, vì có việc riêng em cần xin nghỉ phép 01 ngày (trước đó em có xin nghỉ nửa ngày không lương và đã được duyệt).

 

Nội dung yêu cầu: Em xin gấp chỉ trước 01 ngày thôi và có ghi chú là nghỉ không lương nhưng trưởng bộ phận không đồng ý. Như vậy là đúng hay sai, nếu em vẫn nghỉ thì có bi xem la2vi phạm và bồi thường gì không? Và trong quy dịnh pháp luật có nêu rõ người lao động khi thử việc được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày để không bị gọi là vi phạm không ạ?Tiếp theo công ty thông báo sau 02 tháng thử việc thì sẽ ký HD nhưng 6 tháng sau mới được đóng bảo hiểm. Em hiểu như vậy là đã vi phạm pháp luật nhưng công ty bảo quy dịnh pháp luật là 1 chuyện còn công ty lại có quy định riêng khác nữa?! Em có thể phản ảnh bằng cách nào?Thứ 3, trong thời gian thử việc em bị trừ 1% kinh phí công đoàn thì có hợp lý k? Theo em được biết Kinh phí công đoàn chỉ được quyền trích cùng thời điểm với việc trích đóng BHXH, BHYT trong khi em thử việc không được đóng BH gì cả mà lại bị trừ tiền kinh phí công đoàn thì công ty có sai luật không?Em chưa nắm rõ luật lao động nên phía công ty đưa ra những quy định em cho là vô lý. Mong luật sư giải đáp giúp em để em có cơ sở đòi lại quyền lợi chính đáng ạ. Cảm ơn luật sư. Chi Ms.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

Điều 26 Bộ luật lao động 2012 quy định về thử việc:

 

“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

 

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc”.

 

Theo quy định của pháp luật, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc làm thử thì có thể giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung hợp đồng thử việc bao gồm các nội dung chính như thông tin của NLĐ và NLSDLĐ; nội dung công việc; tiền lương; thời gian làm việc, nghỉ ngơi,... quy định tại Khoản 1 Điều 23 BLLĐ 2012.

 

Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động

 

“1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

 

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

 

c) Công việc và địa điểm làm việc;

 

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

 

đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

 

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

 

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

 

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

 

i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

 

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”.

 

Vậy, trường hợp một trong các bên vi phạm một trong các điều khoản đã thỏa thuận thì đều là hành vi trái quy định của pháp luật. Đối với vụ việc của bạn, trường hợp muốn nghỉ trong thời gian thử việc để làm việc riêng (ngoài thời gian nghỉ ngơi theo thỏa thuận trong hợp đồng) thì đều phải được sự đồng ý của NSDLĐ.

 

Theo phân tích trên, việc bạn tự ý nghỉ là hành vi trái quy định của pháp luật dẫn tới hậu quả bạn sẽ bị trừ tiền lương. Còn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại không đặt ra, nếu NSDLĐ không chứng minh được thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm của bạn gây ra.

 

Thứ hai, quy định về đóng bảo hiểm xã hội theo Luật BHXH 2014.

 

Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định đối tượng áp dụng:

 

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;...”.

 

Theo quy định của pháp luật, NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

 

Vậy, nếu đơn vị ký HĐLĐ 06 tháng đối với bạn thì bắt buộc phải tiến hành thủ tục kê khai đóng BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, căn cứ Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014; Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 thì NSDLĐ và NLĐ còn có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc.

 

Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

 

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

 

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

 

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

 

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

 

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.

 

Điều 1 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế:

 

“...

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

 

“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

 

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

 

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

...”.

 

Vậy, trường hợp đơn vị không thực hiện việc kê khai đóng BHXH, BHYT, BHTN thì bạn có thể tố cáo hành vi trên tới cơ quan có thẩm quyền quản lý về lao động như phòng lao động, thương binh và xã hội.

 

Thứ ba, về tài chính công đoàn.

 

Điều 26 Luật công đoàn 2012 quy định tài chính công đoàn:

 

“Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

 

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

 

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;...”.

 

Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn:“Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

 

Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn thuộc về người sử dụng lao động với mức 2% x Quỹ tiền lương (tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).

 

Vậy, bạn yêu cầu đơn vị có câu trả lời chính thức về số tiền 1% trích đóng kinh phí công đoàn từ tiền lương hàng tháng của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền, nghĩa vụ trong thời gian thử việc của NLĐ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo