Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn về nghĩa vụ thanh toán tiền trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp

Chào luật sư tư vấn luật Minh Gia Vui lòng cho mình hỏi bên Cty mình là Cty A có chi nhánh là Cty B , nhưng 2 cty này hệ thống tách riêng hoàn toàn nhau, nhưng do mới đi vào hoạt động nên vẫn thường xuyên đều chuyển nhân viên từ Cty A sang Cty B để làm việc.

Khi Cty A chuyển hồ sơ nhân viên sang Cty B nhưng Cty A chỉ giải quyết các chế độ như lương, bảo hiểm nhưng không giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động ( mặc dù họ vẫn được hưởng ), và khi nhân viên sang Cty B làm việc thì họ nghỉ việc, Cty B yêu cầu Cty A chi trả trợ cấp thôi việc cho nhân viên trong thời gian trước đó, và Cty A không chịu chi trả do người lao động đã nghỉ việc rồi Cty A không có trách nhiệm phải chi trả nữa và yêu cầu Cty B phải thanh toán vậy thì có đúng luật hay không? Mặc dù Cty B đã thanh toán hết các chế độ khi nười lao động bắt đầu thời gian làm việc tại Cty B cho đến khi nghỉ việc. Xin cảm ơn và mong nhận được sự tư vấn của luật sư.


Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, giữa Công ty A và Công ty B đã diễn ra việc điều chuyển nhân sự. Việc "điều chuyển" theo diễn đạt của bạn chưa được rõ ràng nên chúng tôi chia ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là công ty A chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động, sau đó chuyển hồ sơ sang cho công ty B giao kết hợp đồng mới với người lao động (Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng thứ nhất là đại diện Công ty A; Người sử dụng lao động giao kết hợp đồng thứ hai là đại diện Công ty B).

Khi đó, công ty A chỉ có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật đối với khoảng thời gian mà người lao động làm việc cho công ty A.

Trường hợp thứ hai là việc điều chuyển nhân sự diễn ra giữa công ty A và công ty chi nhánh là công ty B nhưng chủ thể giao kết hợp đồng lao động với người lao động vẫn là đại diện Công ty A thì khi người lao động chấm dứt hợp đồng, các chế độ sẽ do Công ty A giải quyết. Nếu phải chi trả tiền trợ cấp thôi việc thì thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động là tổng thời gian làm việc cho công ty A và công ty B.

Bộ luật lao động 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

"Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."


Theo đó, nếu đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 48 thì người lao động được trợ cấp thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về nghĩa vụ thanh toán tiền trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo