Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về mức đóng bảo hiểm xã hội từ 01/01/2018

Câu hỏi tư vấn: Thân chào Luật sư, trước tiên tôi xin gửi lời cám ơn đến Quý Công ty Luật Minh Gia đã tư vấn trong thời gian qua. Nay tôi nhờ Quý Luật sư tư vấn về Mức đóng BHXH từ 01/01/2018 của Khối doanh nghiệp (tại điều 6 của Quyết định 595/QĐ-BHXH).

 

Xin hỏi như sau: 1. Anh Nguyễn Văn A có tên trong Danh sách hưởng phụ cấp độc hại theo mùa vụ sản xuất của Công ty (mùa vụ khỏang 6 tháng). Tôi xin hỏi: Nếu trong Hợp đồng lao động giữa NSDLĐ và anh Nguyễn Văn A không có thể hiện Khoản Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào trong Hợp đồng lao động có vi phạm Luật không? (Theo Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH). Nếu vi phạm thì mức phạt là bao nhiêu? (Văn bản nào quy định) 2. Vậy mức tiền lương tham gia BHXH của Anh Nguyễn Văn A có đóng thêm Khoản Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không? (Phía NSDLĐ và NLĐ đều phải cộng thêm phụ cấp nặng nhọc, độc hại). 3. Căn cứ theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 thì có 4 mức Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Anh Nguyễn Văn A được hưởng 10.000 đồng/ca làm việc 8h. Do nhu cầu làm việc tăng ca nên anh Nguyễn Văn A phải làm việc 12h/ca, vậy mức hưởng phụ cấp nặng nhọc độc hại có nhân hệ số 1.5 không? (10.000 đồng/8h x 1.5 = 15.000 đồng/12h). Xin cám ơn!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề anh Nguyễn Văn A có tên trong danh sách hưởng phụ cấp độc hại của công ty nhưng trong hợp đồng lao động lại không có thể hiện khoản phụ cấp nặng nhọc độc hại thì có vi phạm quy định của pháp luật không?

 

Mức lương, hình thức trả lương được quy định tại Điều 21, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH

 

Điều 21. Tiền lương

 

Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

 

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

 

b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

 

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

 

2. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

 

3. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động được quy định bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả lương, phụ cấp lương cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.”

 

“Điều 3. Tiền lương

 

Tiền lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

 

1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

 

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Điều 7, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương;

 

b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương, cụ thể:

 

- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

…”

Theo đó trong trường hợp của anh Nguyễn Văn A, tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương đối với công việc có yếu tố nặng nhọc, nguy hiểm. Tuy nhiên đối với trường hợp này khi trong hợp đồng không có nội dung về phụ cấp nặng nhọc độc hại, mà có tên trong danh sách hưởng, pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề này có vi phạm pháp luật về lao động hay không. Nếu công ty có chi trả về phụ cấp công việc nặng nhọc độc hại cho người lao động mà không ghi nhận trong hợp đồng thì có thể thực hiện sửa đổi bổ sung điều khoản này trong hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả 2 bên trong quan hệ lao động.

 

Thứ hai, về vấn đề các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)

 

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH:

 

"Các khoản bổ sung khác phải đóng BHXH cụ thể:

 

a. Các khoản bổ sung xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kì trả lương.

 

b. Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kì trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động."

 

Theo đó, chi phí phụ cấp nặng nhọc độc hại là một trong các khoản bổ sung, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kì trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả làm việc của Nguyễn Văn A. Như vậy, đấy là một khoản phải đóng BHXH.

 

Thứ ba, về mức bồi dưỡng bằng hiện vật khi anh A làm thêm giờ

 

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH về nguyên tắc bồi thường bằng hiện vật

 

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật

4. Mức bồi dưỡng cụ thể đối với từng người lao động được xác định như sau:

 

a) Đối với người lao động đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

 

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên;”

 

Theo đó, anh A được bồi dưỡng với mức 10000 đồng/ca làm việc cho 8h làm việc. Khi anh A tăng ca thêm 4h thì mức bồi dưỡng của anh A tăng lên tương ứng với số giờ làm việc 10000/ca cho 12h làm việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo