Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về lương và nâng bậc lương đối với công chức cấp xã

Tôi là công chức công an xã xếp hệ số lương 1,86 nhưng hiện nay tôi đã tốt nghiệp đại học ngành công tác xã hội do trường đại học Mở TP. HCM cấp, vậy tôi có được áp dụng bằng đại học để tính áp dụng bậc lương theo đại học được không? Nếu được thì áp dụng theo thông tư (văn bản ) nào quy định.

 

Thứ 2 là tôi được bổ nhiệm trưởng công an xã vào tháng 4/2013 nhưng chưa xét thi công chức và nhận lương theo hợp đồng của UBND xã và không hưởng bất cứ khoản gì khác ngoài áp dụng hệ số 1,86, đến tháng 8/2014 tôi thi công chức và công nhận công chức cấp xã và thời gian được tính nâng lương là từ ngày 01/7/2014 vậy cho đến nay tôi cũng chưa được nâng lương và nếu được nâng lương thì được tính từ thời gian nào như từ ngày 1/4/2013 hay từ 01/7/2014, áp dụng theo văn bản nào, xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn

 

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, có được áp dụng bằng đại học để tính áp dụng bậc lương theo đại học được không?

 

Để xác định bạn có được áp dụng bằng đại học để nâng lương không thì cần phải xác định được bằng đại học ngành công tác xã hội của bạn có phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện bạn đang đảm nhiệm không?

 

Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 03/2010 về xếp lương đối với công chức cấp xã:

 

1. Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đảm nhiệm thì thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước), bảng lương số 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

 

a) Tốt nghiệp trình độ đại học trở lên được xếp lương theo ngạch chuyên viên (mã số 01.003);

 

b) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng được xếp lương theo ngạch chuyên viên cao đẳng (mã số 01a.003);

 

c) Tốt nghiệp trình độ trung cấp được xếp lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004);

 

d) Tốt nghiệp trình độ sơ cấp xếp lương theo ngạch nhân viên văn thư (mã số 01.008).

 

Như vậy, theo quy định này thì nếu bạn tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên môn của chức danh hiện đảm nhiệm thì sẽ được xếp lương theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều này.

 

Mà theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2012 quy định về tiêu chuẩn cụ thể:

 

3. Căn cứ vào tiêu chuẩn của công chức cấp xã quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là cấp tỉnh) được xem xét, quyết định:

 

a) Giảm một cấp về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn đối với công chức làm việc tại xã đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa công chức cấp xã theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

 

b) Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

 

c) Thời gian để công chức cấp xã mới được tuyển dụng phải hoàn thành lớp học tiếng dân tộc thiểu số; lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này.”

 

Do bạn không nói rõ bằng đại học ngành công tác xã hội của bạn có phù hợp với chuyên môn mà bạn đang đảm nhiệm hay không nên chúng tôi không thể xác định bạn có được áp dụng bằng đại học này để áp dụng nâng bậc lương hay không. Bạn có thể căn cứ vào các thông tin mà chúng tôi cung cấp xét vào trường hợp cụ thể của bạn để xác định.

 

Nếu bằng đại học chuyên ngành công tác xã hội phù hợp chuyên môn chức vụ mà bạn đang đảm nhiệm thì bạn sẽ được xếp bậc lương theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010.

 

Còn nếu bằng đại học chuyên ngành công tác xã hội này không phù hợp với chuyên môn của chức danh bạn đang đảm nhiệm thì sẽ không được áp dụng bằng đại học này để nâng bậc lương của bạn.

 

Thứ hai, thời gian nâng lương được tính từ thời điểm nào?

 

Về vấn đề này do thông tin bạn cung cấp không được rõ ràng nên rất khó để tư vấn cụ thể cho bạn được.

 

Vì theo như lúc đầu bạn cung cấp thì bạn nói bạn là công chức công an xã và được bổ nhiệm trưởng công an xã nhưng bạn lại cung cấp thêm thông tin bạn được bổ nhiệm từ tháng 4/2013 nhưng đến tháng 8/2014 bạn mới thi công chức và được công nhận là công chức cấp xã thì tôi thấy ở đây có sự không thống nhất về thông tin cung cấp nên khó xác định được chính xác trong trường hợp này. Vì vậy chúng tôi xin cung cấp cho bạn một số thông tin có liên quan để bạn có thể căn cứ vào trường hợp cụ thể của mình để xem xét.

 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật Cán bộ, công chức quy định về nghĩa vụ, quyền của cán bộ,công chức cấp xã: “ Cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy, theo quy định này thì kể từ khi bạn có quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng công an xã thì sẽ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm của chức vụ này.

 

Về chế độ nâng lương được quy định tại Điều 7 văn bản hợp nhất 04//VBHN- BNV 2014 về chế độ tiền lương đối với cán bộ công viên chức và lực lượng vũ trang:

 

 

Điều 7. Chế độ nâng bậc lương

 

1. Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh.

 

Thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xem xét nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau:

 

a) Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng của bảng lương thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng lên một bậc lương;

 

b) Đối với các đối tượng xếp lương theo bảng 2, bảng 3, bảng 4 quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xét nâng bậc lương như sau:

 

b1) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương;

 

b2) Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.

 

c) 4 Các đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật bị kéo dài thêm thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:

 

- Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì bị kéo dài thêm 06 (sáu) tháng so với thời gian quy định;

 

- Trường hợp bị kỷ luật hình thức giáng chức hoặc cách chức thì bị kéo dài thêm 12 tháng (một năm) so với thời gian quy định.

 

2. Thực hiện nâng bậc lương trước thời hạn như sau:

 

a) 5 Cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị (trừ các trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này);

 

b) 6 Cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và chưa đủ điều kiện thời gian giữ bậc để được nâng bậc lương thường xuyên tại thời điểm có thông báo nghỉ hưu, thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều này.

 

3. Việc thăng, giáng cấp bậc quân hàm và nâng lương, nâng phụ cấp quân hàm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật thuộc lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với lực lượng vũ trang”

 

Như vậy, để được nâng bậc lương thì cần đáp ứng được các điều kiện trên để làm căn cứ nâng bậc lương. Bên cạnh đó căn cứ áp dụng nâng bậc lương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nên kể từ khi bạn được công nhận là công chức thì mới bắt đầu được tính thời gian để tăng bậc lương.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về lương và nâng bậc lương đối với công chức cấp xã. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV: Nguyễn Thị Thủy – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo