Trần Phương Hà

Quy định công ty không được giữ bằng gốc

Câu hỏi: Em chào luật sư. Em có vấn đề muốn hỏi về việc công ty giữ bằng gốc và quy định liên quan như sau. Đầu tháng 3 em có được gọi phỏng vấn và thử việc trong một công ty với vị trí thu ngân. Do em mới ra trường tâm lý muốn tìm được việc làm nên khi công ty yêu cầu giữ bằng gốc thì em đã nộp hồ sơ công chứng cùng với bằng gốc mà không nhận được giấy biên nhận giữ bằng.

Sau 1 tháng làm việc em có gọi điện và xin giấy thì được nhận một giấy biên nhận với nội dung làm việc trong 1 năm không làm đủ sẽ bị giữ bằng gốc trong 1 năm, em không đồng ý nên đã không kí. Bây giờ em muốn xin nghỉ thì công ty không cho lấy lại bằng bảo giữ 1 năm, xin giấy biên nhận giữ bằng thì không cho. Giờ em không biết phải làm sao mong luật sư cho em ý kiến và hướng giải quyết tốt nhất và giúp em hiểu quy định pháp luật trường hợp của em. Em xin cảm ơn

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi  tư vấn như sau:

- Những hành vi người sử dụng lao động không được làm

Bộ Luật Lao động quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:

"1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.”

>> Giải đáp vướng mắc về việc công ty giữ bằng gốc, gọi: 1900.6169 

Công ty có hành vi giữ văn bằng gốc của bạn, hành vi này vi phạm quy định của Bộ luật Lao động. Với hành vi giữ văn bằng gốc của bạn khi tuyển dụng thì công ty có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2  Điều 5 Nghị định 95/2013:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Bạn có quyền trực tiếp gặp người quản lý của đơn vị để yêu cầu công ty hoàn trả hồ sơ gốc cho bạn. Trường hợp công ty không giải quyết, bạn có quyền gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền như Phòng lao động - Thương binh và xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.

- Trách nhiệm của doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Khi bạn chấm dứt HĐLĐ, thì công ty có các trách nhiệm sau:

“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”

Vậy, khi bạn nghỉ việc công ty phải thực hiện nghĩa vụ trả lại những giấy tờ khác mà công ty đã giữ của bạn. Nếu công ty bạn cố tình không trả lại hồ sơ cho bạn nên hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm c, Khoản 1 điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

c) Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ tuyển dụng lao động theo quy định".

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo