Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về làm thêm vào ngày nghỉ phép năm

Xin chào luật sư, tôi đại diện cho phòng nhân sự công ty X có một vấn đề nhờ luật sư tư vấn như sau: Công ty tôi có thông báo: Sẽ bố trí lịch nghỉ 01 ngày phép vào thứ 7 ngày 22/10/2016 cho toàn bộ cán bộ công nhân trong công ty. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc phải đi đón khách vào 10h đêm ngày 22/10/2016.

 

Nên công ty bố trí 01 lái xe đi làm từ 20h00 đến 23h00 ngày 22/10/2016 Phương án 1: Vẫn trừ 01 ngày phép và tính số tiếng đi làm (từ 20h00-23h00) là số giờ đi làm vào ngày phép. Phương án 2: Không trừ 01 ngày phép vào tính số giờ đi làm ( từ 20h00-23h00) là số giờ đi làm thêm vào ngày thường công ty sẽ bố trí cho người lao động nghỉ phép vào ngày khác. . Vậy xin hỏi luật sư là công ty tôi sẽ phải trả lương cho lái xe trong ngày ngày như thế nào cho đúng luật? Thanks and best regard 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Căn cứ theo Điều 111 bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghỉ hằng năm:
“…

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

 

Như vậy, công ty bạn có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động. Do đó, việc công ty cho tất cả người lao động lịch nghỉ 01 ngày phép vào thứ 7 ngày 22/10/2016 cho toàn bộ nhân viên là đúng với quy định của pháp luật. 

 

Công ty bạn đã thông báo với toàn bộ nhân viên sau đó thay đổi lịch nghỉ phép của một người thì phải báo trước và được sự đồng ý của người đó bởi việc thay đổi lịch nghỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.

 

Đối với phương án thứ nhất: người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày cộng với tiền làm thêm giờ vào ban đêm.

 

Phương án thứ hai: người lao động làm thêm vào ngày thường, ít nhất bằng 150% và được trả thêm tiền làm thêm giờ vào ban đêm theo quy định tại Điều 97 bộ luật lao động năm 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”

 

Do đó, nếu công ty bạn thực hiện theo phương án thứ nhất thì sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Nếu công ty bạn thực hiện theo phương án thứ hai thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng do đó, công ty phải thông báo trước về sự thay đổi và phải được sự đồng ý của người lao động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về làm thêm vào ngày nghỉ phép năm . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Thị Nga_ Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo