Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về kinh phí công đoàn

Nội dung câu hỏi: Chào luật sư! Tôi có chút khúc mắc về cách tính toán mức thu Kinh phí công đoàn (KPCĐ) của liên đoàn lao động quận, xin nhờ luật sư giúp đỡ ạ. doanh nghiệp tôi hiện có 5 lao động, trong đó có 3 lao động thời vụ 2 tháng, 2 lao động hợp đồng thời hạn 12 tháng, trong đó lại có 1 lao động đang tham gia bảo hiểm ở công ty khác.

 

Tháng 8/2016 bên doanh nghiệp muốn đóng bảo hiểm cho 1 lao động đã ký hợp đồng 12 tháng. Nộp hồ sơ lên BHXH thì phải xây dựng thang bảng lương nộp về phòng lao động thương binh và xã hội quận Kiến An. Bên Phòng TBXH tiếp nhận hồ sơ thì hướng dẫn lên liên đoàn quận xin giấy xác nhận Doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập Công Đoàn cơ sở. Khi tới LĐLĐ quận xin giấy xác nhận thì LĐLĐ phải bắt đóng Kinh phí công đoàn mới xác nhận. Theo tính toán của bên liên đoàn lao động quận thì doanh nghiệp tôi phải đóng kinh phí công đoàn = 5 người x 2% mức lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động x 6 tháng (2016) - thu 1 lần. Tôi thấy rất vô lý là nếu đã thu đủ KPCĐ của cả 5 người thì sao mới chịu xác nhận là Doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức Công Đoàn cơ sở? Theo như tôi tìm hiểu thì việc tư vấn của liên đoàn lao động quận như vậy là sai luật, doanh nghiệp tôi chỉ phải đóng KPCĐ theo số lao động tham gia BHXH (cụ thể ở đây là 01 người) tính từ thời điểm bắt đầu tham gia BHXH (tháng 8/2016) và thời gian đóng cùng lúc với đóng BHXH. Cho tôi hỏi, theo ý hiểu của tôi như vậy có đúng hay không? Xin chân trành cảm ơn luật sư!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 sửa đổi quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động"

 

Theo đó, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được công đoàn cơ sở hay chưa.

 

Doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư là một trong các đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn mà không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở (Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP). Do đó, việc liên đoàn lao động yêu cầu doanh nghiệp bạn đóng kinh phí công đoàn là phù hợp.

 

- Về mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn:

 

Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP: “Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

 

Đối chiếu quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

+ Đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc trong đó có: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động”. 

 

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ 01/01/2018.

 

+ Người lao động thuộc các TH trên mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

 

Doanh nghiệp bạn có 5 lao động: 3 lao động thời vụ 2 tháng, 2 lao động hợp đồng 12 tháng (trong đó 1 lao động đang đóng BHXH ở công ty khác). Như vậy, doanh nghiệp bạn chỉ có 1 NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Việc LĐLĐ yêu cầu doanh nghiệp bạn đóng kinh phí công đoàn trên cơ sở tiền lương của 5 NLĐ là không đúng.

 

- Về phương thức nộp:

 

Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động (Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về kinh phí công đoàn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Dương Xuân - Công ty Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo