LS Trần Khánh Thương

Tư vấn về đối tượng tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP

Tinh giản biên chế trong Nghị định 108/2014/NĐ-CP được hiểu là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
---------------------

 

Kính gửi: Công ty Luật Minh Gia

V/v: Xin tư vấn về Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ
 

 

Tôi tên: CHS          -     Sinh năm: 1958

Công tác tại: Ủy ban nhân dân Phường 2 - Quận 4

Công tác chuyên môn: Cán bộ Tuyên giáo

Kính thưa các Luật sư

Tôi xin trình bày tóm tắt quá trình tôi công tác tại Ủy ban nhân dân           Phường 2 - Quận 4 như sau:
 

Tháng  01/1987  - 11/1990

Nhân viên Tiểu thủ công nghiệp

UBND P2/Q 4

Tháng  12/1990  - 12/1994

Nhân viên Lao động - Thương binh & xã hội

UBND P2/Q 4

Tháng  01/1995  - 12/1999

Ủy viên Lao động - Thương binh & xã hội

UBND P2/Q 4

Tháng  01/2000  -   7/2000

Ủy viên Văn phòng

UBND P2/Q 4

Tháng    8/2000  -   4/2009

Phó Chủ tịch HĐND kiêm Thư ký Đảng ủy

UBND P2/Q 4

Tháng    5/2009  đến nay

Cán bộ Tuyên giáo

UBND P2/Q 4


Kính thưa các Luật sư


Theo thời gian như trên thì đến nay tôi đã công tác tại Ủy ban nhân dân Phường 2 - Quận 4 được 28 năm 6 tháng. Vậy thời gian tôi được tính đóng Bảo hiểm xã hội là bao nhiêu năm, tháng?

Và, qua tham khảo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ "về chính sách tinh giản biên chế" và thông tư Liên tịch số 01/2015/TTLB - BNV- BTC ngày 14/4/2015 "Hướng dẫn một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP).

Vậy, tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi với lý do là cán bộ dôi dư, vậy tôi có thuộc đối tượng điều chỉnh để nghỉ hưu theo Nghị định và hướng dẫn nói trên không?

Nếu được nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ "về chính sách tinh giản biên chế" thì tôi được nghĩ theo Khoản mấy, Điều mấy và được hưởng theo chế độ nào?

Rất mong nhận được sự tư vấn và hồi âm của công ty Luật Minh Gia, Xin chân thành cám ơn các Luật sư. 

 
Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, về thời gian tính đóng bảo hiểm xã hội.

 

Với căn cứ là số năm làm việc thực tế tại UBND phường nêu trên thì không đủ căn cứ để kết luận thời gian bác đã tham gia bảo hiểm xã hội. Vấn đề này, bác có thể hỏi trực tiếp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương để biết tổng thời gian tham gia bảo hiểm của mình.
 

Thứ hai, về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ.

Điều 6, Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định đối tượng tinh giản biên chế như sau:
 

Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;


b) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

c) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

 

d) Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

g) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.


3. Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

4. Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

5. Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.

6. Những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo quy định trên thì việc bác có thuộc đối tượng “dôi dư” theo một trong các trường hợp trên hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bác không có quyền lấy lý do là cán bộ dôi dư để về hưu trước tuổi và hưởng chế độ tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ.

 

Thứ ba, theo quy định của pháp luật và những phân tích ở trên thì không thể kết luận trường hợp của bác được nghỉ theo khoản mấy, điều mấy của chế độ tinh giảm biên chế. Vì vậy, nếu có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bác về hưu trước tuổi theo nghị định này thì bác mới được về hưu và hưởng những chế độ của Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

 

Trân trọng!
Luật gia: Trần Thị Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo