Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn về điều kiện và mức hưởng chế độ hưu trí

Tôi sinh tháng 9/1961, tham gia BHXH liên tục từ tháng 9/2001, đến tháng 9/2016 tôi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH thì có được hưởng chế độ hưu trí không, nếu được thì chế độ như thế nào? Nếu tôi muốn đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng chế độ nghỉ hưu thì có được không ạ? Ngoài ra, trước 1992 tôi có làm việc trong cơ quan nhà nước và đóng BHXH được 12 năm nhưng không lưu lại giấy tờ, nếu tôi muốn nối tiếp chế độ thì phải làm sao ạ?


Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
 

Tư vấn về điều kiện và mức hưởng chế độ hưu trí


Về điều kiện hưởng lương hưu, Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu 

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

Theo thông tin bạn cung cấp thì tháng 9/2016 bạn sẽ đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, vì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mới là 15 năm nên bạn vẫn chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Để được hưởng lương hưu, bạn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ 20 năm.

Nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn có thể được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần 

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.


2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Theo đó thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần bằng (13x1,5 + 2x2)= 23,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Về cách tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định:

“b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.”

Trong trường hợp này bạn đã bị mất hết giấy tờ thì bạn có thể đến cơ quan bảo hiểm xã hội để hỏi xem còn hồ sơ gốc về việc bạn đã đóng bảo hiểm trước năm 1992 hay không. Nếu còn hồ sơ thì bạn có thể làm thủ tục gộp thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào với nhau để hưởng chế độ bảo hiểm khi nghỉ hưu. Về nguyên tắc gộp sổ cũng như trình tự, thủ tục, bạn có thể tham khảo tại Công văn 3663/BHXH-THU.

Trong trường hợp không còn hồ sơ gốc thì phải có văn bản của cơ quan chủ quản giải trình lý do bị mất, đồng thời xác nhận về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó kèm theo các giấy tờ liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tính chất công việc, tiền lương, tiền công( nếu có)( Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH). Sau khi đã có giấy tờ xác nhận thì bạn có thể làm hồ sơ xin gộp thời gian tham gia bảo hiểm( bao gồm đơn đề nghị và sổ bảo hiểm kèm theo các giấy tờ) gửi đến cơ quan bảo hiểm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về điều kiện và mức hưởng chế độ hưu trí. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Thu Hà – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo