Nông Bá Khu

Tư vấn về điều kiện hưởng chế độ lương hưu và chế độ nghỉ dưỡng sức sau thời gian điều trị dài ngày

Tôi sinh ngày 30/2/1966 (tất cả các giấy tờ đều lấy ngày đó).Tôi làm nghề nữ hồ sinh có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm. Xin hỏi luật sư khi giải quyết chế độ lương hưu thì ngay sinh của tôi có ảnh hưởng gì không?

Thứ hai, tôi mắc bệnh ung thư vú đã phẫu thuật đoạn nhũ vú phải, điều trị hóa chất 8 chu kỳ, xạ trị 25 tia, thời gian bắt đầu nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 27/5/2015 dự kiến đến 30/1/2016 là hết đợt điều trị. Vậy tôi có nằm trong đối tượng tinh giảm biên chế không?
Nghỉ dưỡng sức sau điều trị bệnh dài ngày thì được hưởng chế độ như thế nào?

TRẢ LỜI
Chào cô!
Cảm ơn cô đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia. Trường hợp của cô, chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Về việc hưởng chế độ lương hưu.

Tại Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Điều 50 và Điều 51. Theo đó, có thể thấy cô không đủ điều kiện hưởng lương mức bình thường do chưa đủ 55 tuổi. Tuy nhiên, cô làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục của Bộ LĐTBXH ban hành tại QĐ 915/ LĐTBXH 30/7/1996 và việc cô bị bệnh tật, ốm đau. Do đó, cô có thể được hưởng lương hưu thấp .

Căn cứ Điều 27 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, có quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động theo Điều 51 Luật BHXH được quy định như sau:

Người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với mức lương hưu của người đủ điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
 
1. Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
 
2.Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
 
 Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của cô, cô làm công việc hộ sinh, tham gia đỡ đẻ, với công việc nặng nhọc, giải quyết nhiều công việc phức tạp, căng thẳng thần kinh tâm lý theo QĐ 915/LĐTBXH 30/7/1996, ngoài ra còn đang trong thời gian chữa bệnh. Do đó, cô có nguyện vọng xin về nghỉ chế độ hưu trí thì cô đề nghị đơn vị sử dụng lao động nơi cô đang công tác và được đơn vị sử dụng lao động đồng ý và giới thiệu cô đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh (nơi đơn vị đóng và tham gia BHXH) để được giám định mức suy giảm khả năng lao động. Nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận cô bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì cô đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điều 51 Luật BHXH.
 
2. Về vấn đề tinh giảm biên chế
 
Theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế quy định cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) trong biên chế và CBCC cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) theo quy định của pháp luật (CBCC-VC), thuộc đối tượng tinh giản biên chế  (TGBC) nếu thuộc 1 trong 7 trường hợp dưới đây:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự.
 
2- Dôi dư do cơ cấu lại CBCC-VC theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.
 
3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn.
 
4- Trường hợp có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác.
 
5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, CBCC được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
 
6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
 
7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Luật BHXH.

Đối với trường hợp của cô, cô cần đối chiếu số ngày nghỉ do ốm đau của mình trong 2 năm liền kề đã ở mức tối đa theo Luật lao động chưa. Nếu chưa thì cô không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

3. Chế độ nghỉ dưỡng sức sau thời gian điều trị dài ngày.

 Chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau được quy định tại Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2006 Điều 12 Nghị định 152/2006/NĐ-CP  hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

_ Điều kiện được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau:

Thông tư 19/2008/TT-BLĐTBXH Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định: “Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm theo quy định tại Điều 9Nghị định số 152/2006/NĐ-CP  trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.

_Thời gian hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau:

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khoẻ còn yếu sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

- Tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khoẻ còn yếu sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

­_Mức hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau: Mức hưởng một ngày bằng:

+ 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;

+ 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về điều kiện hưởng chế độ lương hưu và chế độ nghỉ dưỡng sức sau thời gian điều trị dài ngày. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV: Dương Thanh Bình
 
 
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo