Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Tôi đi làm tại công ty này Từ tháng 9/2010 thì được đóng BHXH, nhưng đến tháng 5/2015 thì tôi nói xin nghỉ việc vì có việc gia đình. Đến tháng 6/2015 thì kế toán chốt sổ và cho tôi nghỉ việc luôn.Nhưng trong tờ giấy quyết định họ gửi tôi họ lại ghi là vi phạm quy chế nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đến giờ tôi vẫn chưa đi làm công ty khác.

 

1.  Vậy tôi xin hỏi tôi xin nghỉ việc trước khi chấm dứt đóng BHXH là 1 tháng vậy sao lại vi phạm.

 

2.  Vậy Tôi sau này đóng BHXH ở công ty khác có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước kia không. Hoặc sau này tôi không làm công ty nữa tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở quê hoặc ở Hà Nội có được không? và có còn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 9/2010 - 6/2015 không?

 

3. Và tôi phải làm thế nào thì mình mới được hưởng quyền lợi khi tham gia BHXH?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

1. Vậy tôi xin hỏi tôi xin nghỉ việc trước khi chấm dứt đóng BHXH là 1 tháng vậy sao lại vi phạm.

 

Căn cứ theo Điều 31 bộ luật lao động năm 2012 quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động quy định như sau:

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

 

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Như vậy, nếu khi có một trong những căn cứ theo khoản 1 Điều 37 luật lao động năm 2012  thì bạn có thể chấm dứt hợp đồng lao động. Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì bạn có thể chấm dứt hợp đồng lao động với lý do: “ Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động”.

 

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước.

 

  • Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

  • ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

  • ít nhất là 45 ngày nếu là hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động với người sử dụng lao động nhưng phải thực hiện thời gian báo trước.

 

Trong thông tin mà bạn đã cung cấp bạn không nói hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng lao động có xác định thời hạn hay không.

Nếu là hợp đồng xác định thời hạn thì bạn phải có lý do chính đáng và phải báo trước ít nhất 30 ngày thì bạn đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thời gian báo trước.

 Nếu là hợp đồng không xác định thì thời gian báo trước là 45 ngày thì bạn đã vi phạm thời gian báo trước.

 

2.Tôi sau này đóng BHXH ở công ty khác có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước kia không. Hoặc sau này tôi không làm công ty nữa tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở quê hoặc ở Hà Nội có được không? và có còn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 9/2010 - 6/2015 không?

 

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 :

“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
 

 

Như vậy, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắt quãng, không liên tục thì sẽ được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm xã hội.


Theo quy định tại Điều 45 Luật việc làm 2013 quy định:

"Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp


 

1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

2. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.

 

3. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.”
 
 
Như vậy, theo quy định trên, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 

 

Do đó, bạn có thể được cộng dồn thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị cũ là công ty cũ với thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp ở công ty mới để tính tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian mà bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 9/2010 - 6/2015 cũng sẽ được cộng vào để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp. từ tháng 9/2010 - 6/2015. 

 

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện:

 

- Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 luật bảo hiểm xã hội. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tương tham gia bảo hiểm bắt buộc như:

 

+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

+  Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

 

+  Cán bộ, công chức, viên chức;

.....

Khi mà bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ tính cộng gộp cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở công ty trước của bạn. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ áp dụng đối với chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Tức là thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được làm căn cứ bạn được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

 

3. Tôi phải làm thế nào thì mình mới được hưởng quyền lợi khi tham gia BHXH?

 

Căn cứ theo Điều 49 luật việc làm 2013 quy định điều kiện hưởng trợ cấp tất nghiệp như sau:

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết.                                        

 

Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì bạn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

Thời hạn, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015)

 

- Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

 

- Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

 

b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

 

c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, song thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

 

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu bưu điện.

 

Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: (Khoản 1, 2, 3 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015)

 

a/ Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định);

 

b/ Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc đã hết hạn hoặc quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.

 

c/ Sổ bảo hiểm xã hội.

 

d/ Chứng minh nhân dân;

 

e/ 02 tấm hình 3x4 (mở thẻ ATM);

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo