LS Trần Liên

Tư vấn về đền bù chi phí đào tạo đối với viên chức

Tôi đang công tác tại một trường đại học của tỉnh, được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh, có chu cấp kinh phí, thời gian học là 3 năm, hệ chính quy không tập trung, mỗi năm 3 đợt, tổng cộng là 45 ngày.


Nội dung câu hỏi: Chào luật sư! Cho hỏi, tôi đang công tác tại một trường đại học của tỉnh, được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh, có chu cấp kinh phí, thời gian học là 3 năm, hệ chính quy không tập trung, mỗi năm 3 đợt, tổng cộng là 45 ngày. Thời gian còn lại tôi vẫn làm việc tại trường. Vậy nay tôi muốn xin thôi việc: 1.Tôi có phải bồi thường chi phí đào tạo hay không? (Trước khi đi học tôi không có ký cam kết với nhà trường; Sau khi học về, tôi cũng không ký cam kết để nhận tiền hỗ trợ của tỉnh) 2. Nếu bồi thường, thì thời gian tính là 3 năm hay là 45 ngày, vì như đã nói, ngoài thời gian tập trung học (45 ngày), tôi vẫn tham gia giảng dạy tại trường. 3. Ngoài ra, nếu xin thôi việc, tôi có được hưởng chế độ nào không; có được nhận sổ bảo hiểm xã hội không. 4. Nếu thôi việc và xin làm tại một cơ quan mới, tôi có được tiếp tục nối lương hay phải quay lại từ đầu; Tôi có được hưởng thâm niên nhà giáo tiếp theo hay không?... Kính mong luật sư giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

-Thứ nhất, Việc hoàn trả chi phí đào tạo

Điều 35 Luật viên chức năm 2010 quy định Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng
 
"1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
 
2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.
 
3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ."


Điều 34 Nghị định 29/2012/NĐ-CP Quyền lợi, trách nhiệm của viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng
 
"1. Quyền lợi của viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật viên chức.
 
2. Trách nhiệm của viên chức khi thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 35 Luật viên chức."


Theo đó, khi viên chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng thì có quyền được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương. Nghĩa vụ của viên chức khi được đi đào tạo, bồi dưỡng là phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng là chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp của bạn, mặc dù bạn không kí cam kết với nhà trường về việc cử đi nghiên cứu nhưng trên thực tế bạn vẫn đồng ý đi đào tạo theo danh sách của nhà trường cử đi thì được coi là bạn đồng ý đi đào tạo. Nếu như hai bên không kí hợp đồng đào tạo hoặc kí cam kết về việc đào tạo thì sẽ thực hiện theo quy chế đào tạo của nhà trường và theo quy định của pháp luật.

Theo như quy định trên, việc hỗ trợ học phí và các khoản khác trong những ngày bạn đi nghiên cứu là quyền lợi của bạn. Việc bạn không nhận tiền hỗ trợ từ tỉnh bạn không nêu rõ bao gồm những chi phí gì. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

Như vậy, nếu bạn không nhận hỗ trợ bất kì khoản nào từ nhà trường hay tỉnh, bạn tự đóng học phí và các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học thì bạn không phải hoàn trả phần chi phí này. Tuy nhiên, nếu khóa học đó được nhà trường thanh toán học phí và các khoản chi phí khác, còn tỉnh hỗ trợ một phần thì bạn có nghĩa vụ phải hoàn trả phần học phí và chi phí mà nhà trường đã đóng cho khóa học của bạn.

Việc tính mức đền bù chi phí đào tạo:

Thông thường mỗi trường học sẽ có một quy chế đào tạo, nếu không có cam kết khác thì việc đền bù chi phí đào tạo sẽ được thực hiện theo đúng quy chế đào tạo của trường  và theo quy định của pháp luật.

Điều 17 Thông tư 15/2012/TT- BNV Chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo

"1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.

2. Cách tính chi phí đền bù:

a) Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 100% chi phí đào tạo;

b) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức phải đền bù 50% chi phí của khóa học;


c) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = (F / T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí của khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.


Theo đó, mức đền bù phụ thuộc vào tổng chi phí khóa học, thời gian yêu cầu phục vụ sau khóa học và thời gian đã phục vụ cho nhà trường( được quy định trong quy chế đào tạo của trường).

Như vậy, bạn không đề cập tới quy chế đào tạo của nhà trường và cũng không đề cập tới thời gian bạn đã phục vụ cho nhà trường sau khi kết thúc khóa học nên chúng tôi không xác định được mức đền bù hay hoàn trả chi phí đào tạo và xác định thời gian để tính mức đền bù cụ thể. Mức tính đền bù chi phí đào tạo không phải tính dựa trên 3 năm hay 45 ngày mà nó phụ thuộc vào thời gian cam kết làm việc tại trường, thời gian đã làm việc sau khóa học được quy định trong quy chế đào tạo và chi phí đào tạo.
 
-Thứ hai, về quyền lợi của viên chức khi chấm dứt hợp đồng làm việc

Điều 29 Luật viên chức năm 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

“…
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”

Theo đó, đối với từng loại hợp đồng làm việc thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức sẽ phải tuân thủ một số điều kiện. Nếu bạn làm việc dưới hình thức hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì bạn phải khỏan 5 điều 29 Luật Viên chức và phải báo trước 30 ngày. Nếu bạn làm theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì bạn chỉ cần tuân thủ thời gian báo trước là 45 ngày.

Như vậy, nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và tuân thủ đúng thời gian báo trước thì sẽ coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đúng luật và sẽ được hưởng trợ câp thôi việc ( điều 48 BLLĐ 2012).

Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
 
"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
 
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
 
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”


Theo đó, sau 7 ngày khi chấm dứt hợp đồng làm việc thì bên phía đơn vị sử dụng người lao động phải có trách nhiệm thanh toán tiền lương, trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.  Trường hợp phức tạp có thể kéo dài tối đa 30 ngày.

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng làm việc thì trong 7 ngày làm việc thì nghĩa vụ của phía người sử dụng lao động phải thanh toán lương và trả sổ bảo hiểm xã hội,trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tối đa 30 ngày.

- Thứ ba, Về vấn đền giữ bậc lương khi công tác tại đơn vị mới

 Điều 15 Thông tư 15/2012/TT-BNV quy định Ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức khi chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới

Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức.

Theo quy định này, khi viên chức chuyển tới đơn vị sự nghiệp công lập mới và được thực hiện chế độ tiền lương phù hợp với khả năng và trình độ đào tạo, diễn biến tiền lương trước đó.

Theo như thông tin bạn đưa ra, bạn nghỉ việc tại nhà trường và làm tại trường học khác nhưng không nói rõ bạn làm việc tại nhà trường mới theo diện chuyển công tác hay thi tuyển viên chức nên chúng tôi chi 2 trường hợp sau:

+ Như vậy, nếu bạn chuyển tới đơn vị khác tiếp tục công tác thì bạn có thể được giữ nguyện bậc lương, ngạch lương.

+ Tuy nhiên, trong trường hợp bạn nghỉ việc tại nhà trường cũ và thi tuyển viên chức thì việc xếp lương sẽ được tính từ bậc 1.

- Thứ tư, Về phụ cấp thâm niên khi chuyển sang trường khác giảng dạy.

Theo quy định Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, sau khi bạn chuyển công tác về đơn vị mới mà bạn tiếp tục làm công việc giảng dạy tại một trường công lập thì bạn tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về đền bù chi phí đào tạo đối với viên chức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV.Trần Liên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo