Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về chế độ nghỉ phép của giáo viên

Hỏi: Tôi là một cán bộ quản lý trường tiểu học ở Tỉnh H. Tôi có một số thắc mắc cần giải đáp: 1. Trường tôi có một giáo viên xin phép nghỉ để thực hiện kế hoạch hóa gia đình (đặt vòng) nhưng thực tế cô này tự ý đi du lịch ở nước ngoài. Vậy giáo viên này có vi phạm kỷ luật không? Nếu có thì xử lý như thế nào? Dựa vào văn bản nào?


2. Việc cán bộ, giáo viên, nhân viên tự ý rời khỏi nơi cư trú, nơi công tác có bị kỷ luật không? 

3. Cán bộ, giáo viên, nhân viên đi nước ngoài vì việc riêng (du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh) thì cần xin phép cơ quan nào?

Trả lời

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, luật Minh Gia xin trả lời bạn như sau:

Vấn đề thứ nhất

Việc lao động nữ nghỉ việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"Điều 37. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;..."


Như vậy, nếu giáo viên xin nghỉ việc để đi đặt vòng tránh thai thì sẽ phải có xác nhận của cơ sở y tế, nếu không thì giáo viên được coi là nghỉ việc không có lý do. Theo đó, nếu nội quy nơi làm việc có quy định về việc nghỉ việc không có lý do thì bạn có thể xử lý kỷ luật theo nội quy. Ngoài ra, Điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ - CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức:

"Điều 11. Cảnh cáo

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

...4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc liên tiếp, mà không có lý do chính đáng;..."


Theo đó, giáo viên này phải chịu hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo.

Vấn đề thứ hai

Cán bộ, giáo viên, nhân viên tự ý rời khởi nơi làm việc có bị xử lý kỷ luật hay không sẽ phụ thuộc vào nội quy nơi làm việc. Điều này pháp luật không có quy định cụ thể.

Rời khỏi nơi cư trú là quyền tự do của công dân (trừ một vài trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định), cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng có quyền tự do này. Khi thực hiện việc rời khỏi nơi cư trú, họ chỉ cần thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về luật cư trú là được.

Vấn đề thứ ba

Cán bộ, giáo viên, nhân viên muốn đi du lịch nước ngoài cần xin phép thủ trưởng đơn vị hoặc cán bộ quản lý việc nghỉ phép để bố trí, sắp xếp công việc trong thời gian xin nghỉ phép. Nếu họ đi vào thời gian được nghỉ phép năm của họ đã được bố trí và đồng ý trước đó thì không cần xin nghỉ phép nữa (ví dụ như đi du lịch vào thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ). Ngoài ra, họ cần phải thực hiện các thủ tục khác theo pháp luật của xuất cảnh, nhập cảnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về chế độ nghỉ phép của giáo viên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Lương Thị Huyền Châm - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo