LS Ngọc Anh

Tư vấn về chế độ hưởng trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

Cho tôi hỏi về chế độ hưởng trợ cấp thôi việc đối với người lao động làm việc từ trước năm 2009 được tính như thế nào? cụ thể: Tôi làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên A từ 03/2006 đến 04/2015 và được tham gia BHXH từ 06/2006. Đến 09/2009, tôi nghỉ thai sản 4 tháng và 10/2012 tôi sinh bé thứ hai và nghỉ thai sản thêm 4 tháng. Tuy nhiên, khi tôi nghỉ việc kể từ ngày 01/05/2015, thì Công ty cấp cho tôi 2 tờ Quyết định thôi việc gồm 2 giai đoạn:

 

1. Thời gian làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên A : từ 15/03/2006 đến 30/04/2014

2. Thời gian làm việc tại Công ty TNHH B: từ 02/05/2014 đến 30/04/2015

Lúc bấy giờ liên hệ với Giám đốc công ty B, vị Giám đốc này mới xác nhận rõ: Công ty A kết thúc hợp đồng lao động với tôi theo thời gian kể trên với lí do: Giải thể Công ty nên đã thanh lí hợp đồng cũ; và chuyển toàn bộ lao động làm việc tại Công ty A sang Công ty B với tư cách pháp nhân mới, hoàn toàn độc lập với Công ty A. Đồng nghĩa với việc Hợp đồng lao động ký với Công ty B sau này không có nội dung gì liên quan đến công ty A, cũng như trách nhiệm kế thừa đối với người lao động.

Vì vậy, giải quyết trợ cấp thôi việc cho tôi, Công ty chỉ tính thời gian từ 06/2006 đến 12/2008; với mức lương trung bình 6 tháng liền kề trước khi kết thúc hợp đồng với Công ty A là: từ T11/2013 đến T04/2014; với thời gian 1 năm bằng nửa tháng lương.

Xin hỏi Luật sư: Công ty B giải quyết trợ cấp thôi việc cho tôi như vậy là đúng và đủ chưa. Vì:

1. Theo qui định tính thời gian trợ cấp thôi việc phải bao gồm cả thời gian thử việc (tôi bắt đầu làm việc từ T03/2006) và thời gian nghỉ chế độ BHXH mà trong trường hợp của tôi là nghỉ thai sản tổng cộng 8 tháng.

2. Mức lương 6 tháng liền kề tính tại Công ty A hay Công ty B là đúng. Vì khi ký kết hợp đồng với Công ty B chúng tôi rất mơ hồ không được Công ty thông báo rõ ràng và cũng không ngờ rằng mình bị mất quyên lợi như thế. Mặc khác, chính Giám đốc Công ty B sau này cũng xác nhận là thanh lí hợp đồng với Công ty A và chuyển lao động sang Công ty B. Chúng tôi cũng vẫn làm việc với những người thuộc cấp quản lí như công ty A, không hề có gì đổi khác. Mà có chăng giờ đây chúng tôi bị mất quyền lợi của mình.

3. Trường hợp tôi làm đơn khiếu nại Công ty A thì có được giải quyết đúng và đủ quyền lợi của mình không. Vì Công ty A dù đã giải thể nhưng vẫn còn trong thời hạn 3 năm kể từ ngày giải thể và chưa thực hiện trách nhiệm giải quyết trợ cấp mất việc đối với người lao động (1 năm lúc này tính bằng 1 tháng lương).

Rất mong sớm nhận được hồi âm hướng dẫn từ Luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người lao động như chúng tôi.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Căn cứ vào khoản 3, Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì

 

“Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:


"Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.”

 

Theo quy định của pháp luật thì khoảng thời gian đóng thử việc cũng được tính vào thời gian để hưởng trợ cấp thôi việc.

 

Căn cứ vào Điều 140 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì đối với bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

 

Như vậy, công ty cần phải giải quyết trợ cấp thôi việc cho bạn từ tháng 03 năm 2006 đến tháng 12 năm 2008. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 trở đi, chế độ trợ cấp thôi việc của bạn sẽ được thay thế bằng chế độ bảo hiểm xã hội thất nghiệp. Về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thất nghiệp bạn có thể tham khảo ở vài viết tư vấn về hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở công ty chúng tôi.

Bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến công ty A để được giải quyết đúng và đủ quyền lợi của mình.

 

Trân trọng

CV Đặng Dịu - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo