Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về cách xác định mức bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Do vụ việc của bạn có nhiều thông tin cá nhân liên quan, nên chúng tôi tóm tắt lại nội dung tư vấn của bạn như sau:


Tháng 7 2015 vừa qua Bố và Mẹ tôi gặp tai nạn. Bố tôi mất còn mẹ tôi điều trị đến nay thì được xác định là bị mất sức lao động, không thể lao động nặng được. Nhà xe đã đến nhà tôi trong lúc tổ chức đám tang và có đưa cho gia đình trước 30 triệu đồng và sau đám tang có đưa thêm 20 triệu đồng nữa. Sau 3 tháng bên nhà xe gây tai nạn có xuống và giải quyết việc bồi thường dân sự tiếp.
Trong buổi thương lượng phía nhà xe chỉ đồng ý bồi thường thiệt hại về các khoản như:  mồ mả, quan tài, chi phí mai táng,xe hư, tổn thất tinh thần,... tổng cộng là 100 triệu đồng.

Nhưng tổng cộng tất cả các chi phí trong đám tang như đã liệt kê và các phí còn lại thì nhà xe không đồng ý bồi thường với lý do được phía nhà xe đưa ra là: "khi làm đám tang có thu lại tiền" đáng chú ý hơn mẹ của tôi có giấy bệnh đã qua phẫu thuật không thể lao động nặng như phía nhà xe lại không đồng ý trợ cấp.

Tôi gửi quý luật sư xem xét và tư vấn giúp gia đình tôi. Từ khi ba tôi mất cho đến nay gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống về mặt kinh tế và hơn hết là tinh thần, rất mong quý luật sư xem xét và tư vấn cho gia đình .
 

Tư vấn về cách xác định mức bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
Ảnh minh họa
 

Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

Trước hết, bạn cần tham khảo các quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:

Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Điều 612. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm

“1. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.
2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.”

Như vậy, bạn có thể căn cứ vào những quy định trên để xác định mức bồi thường thiệt hại phù hợp. Mức bồi thường cụ thể phải căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế xảy ra (chi phí cứu chữa, khắc phục hậu quả…). Do vậy chúng tôi không thể tư vấn cho bạn mức bồi thường thiệt hại như thế nào là phù hợp nhất.

Đối với thương tích của mẹ bạn, thì cần xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của mẹ bạn là bao nhiêu, theo đó xác định mức bồi thường phù hợp.

Bạn có thể dựa trên những quy định của pháp luật về vấn đề này để thỏa thuận lại mức bồi thường thiệt hại nhà xe.

Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, thì bạn có quyền gửi đơn khởi kiển yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về cách xác định mức bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo