LS Hồng Nhung

Tư vấn về bảo hiểm xã hội đối với ngành nghề độc hại, nặng nhọc

Người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có các chế độ gì? Quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc nặng nhọc như thế nào? … Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về bảo hiểm xã hội của người lao động

Người lao động làm việc trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là những người chịu thiệt thòi trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động. Khi làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm sức khỏe của người lao động sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến việc không thể duy trì thể trạng sức khỏe trong một khoảng thời gian dài như những người lao động bình thường khác. Chính vì vậy, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản liên quan quy định về độ tuổi nghỉ hưu và số năm đóng bảo hiểm xã hội của nhưng người lao động này thấp hơn so với những lao động làm việc trong môi trường bình thường.

Nếu bạn là người lao động, bạn cần nắm bắt được danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các quy định của pháp luật về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của mình. Trường hợp bạn có vấn đề thắc mắc, chưa hiểu bạn có thể gửi câu hỏi của mình qua Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn, tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm thông tin về pháp luật và đối chiếu với trường hợp của mình.

2. Hỏi về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động

Câu hỏi: Tôi làm xưởng cũ được 9 năm 2 tháng, sổ BHXH ghi là công nhân may khánh hòa. nhưng BHXH nói là thiếu chữ Công nghiệp nên không tính độc hại (mà hồi giờ đâu có xí nghiệp may nào có máy may thường đâu).

Sau đó tôi chuyển công tác ở xưởng mới được 15 năm có 3 công việc khác nhau: 1. công nhân may khatoco; 2. kỹ thuật chuyền (6 năm) nhưng trực tiếp sản xuất dưới xưởng may giống như công nhân 3. KCS kiểm tra chất lượng cũng trực tiếp sản xuất dưới xưởng may giống công nhân

Vậy với 3 công việc trên có được tính độc hại không? Vì sao? Tại sao công nhân được tính độc hại còn công việc của tôi không cho là độc hại. Nếu ghi như vậy là ai sai, và sửa bằng cách nào để tôi đủ 15 năm công tác độc hại, để tôi về hưu( phụ lục hợp đồng 1.1/6 có ghi công việc tôi độc hại? nếu có độc hại thì khi nào giám định được về hưu bao nhiêu? Nếu không có độc hại thì tuổi giám định là bao nhiêu về hưu? tôi xin chân thành cám ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bác chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, đối với công việc ở xưởng cũ

Theo Quyết định số 1629/BLĐTBXH, ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành tạm thời Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: đối với ngành dệt - may thì công việc may công nghiệp thuộc điều kiện lao động loại IV có đặc điểm về điều kiện lao động là tư thế lao động gò bó, công việc đơn điệu, căng thẳng thị giác và mệt mọi thần kinh tâm lý là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Vì trong sổ bảo hiểm của bác chỉ ghi công việc là công nhân may khánh hòa nên cơ quan bảo hiểm có thể căn cứ vào đó để xác định công việc của bác không thuộc nghề may công nghiệp, do đó sẽ không tính độc hại cho công việc của bác.

Thứ hai, đối với công việc ở xưởng mới

+ Đối với công việc là công nhân may khatoco: Vì bác không nói rõ công việc cụ thể như thế nào. Do đó, theo quy định tại Công văn số 131 BHXH/CĐCS Về công việc trong chức danh nghề "may công nghiệp", nếu công việc thuộc "may công nghiệp" của bác là một trong các công việc dưới đây thì sẽ được xác định là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

1. Công nhân đo đếm vải;

2. Công nhân trải vải;

3. Công nhân cắt phá, cắt gọt;

4. Công nhân đánh số;

5. Công nhân sơ chế MEX;

6. Công nhân ép MEX;

7. Công nhân đồng bộ bán thành phẩm (hoặc công nhân bóc bọn và phối kiện);

8. Công nhân vận hành máy may;

9. Công nhân so, sửa bán thành phẩm;

10. Công nhân kiểm tra chất lượng (hoặc kiểm hóa, thu hóa);

11. Công nhân bảo toàn, sửa chữa máy may;

12. Công nhân là, gấp, đóng gói;

13. Công nhân đóng hòm;

14. Công nhân vệ sinh công nghiệp nơi sản xuất;

15. Công nhân đổi bán thành phẩm;

16. Tổ trưởng, chuyền trưởng (trong quá trình sản xuất khi lao động trong tổ thiếu các đồng chí tổ trưởng, chuyền trưởng là lao động bổ sung).

+ Đối với công việc là kỹ thuật chuyền và KCS kiểm tra chất lượng: Theo quy định tại Công văn số 131 BHXH/CĐCS Về công việc trong chức danh nghề "may công nghiệp" nêu trên, các công việc này không thuộc danh mục các công việc thuộc "may công nghiệp" nên không phải là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Công nhân may công nghiệp được tính độc hại vì công việc này đòi hỏi họ phải làm việc trong tư thế lao động gò bó, công việc đơn điệu, căng thẳng thị giác và mệt mọi thần kinh tâm lý còn đối với các công việc như kỹ thuật chuyền hay kiểm tra chất lượng thì công việc của bác là hướng dẫn cho các công nhân khác làm việc, kiểm tra chất lượng, đánh giá sản phẩm, không phải làm việc trong tư thế lao động gò bó, công việc đơn điệu, căng thẳng thị giác và mệt mỏi thần kinh tâm lý nên không được tính độc hại.

Về việc sửa lại tên nghề hoặc công việc bác làm để được tính 15 năm công tác độc hại: Trong phụ lục hợp đồng có ghi công việc của bác là độc hại nhưng vì ghi tên nghề hoặc công việc không đúng dẫn đến việc công việc của bác không được tính độc hại. Do đó, để được tính là  công việc độc hại thì công việc của bác phải được sửa lại:

+ Đối với công việc công nhân may khatoco: bác phải ghi công việc cụ thể là một trong các công việc quy định tại Công văn số 131 BHXH/CĐCS Về công việc trong chức danh nghề "may công nghiệp".

+ Đối với công việc là kỹ thuật chuyền và KCS kiểm tra chất lượng: bác phải sửa thành công nhân kiểm tra chất lượng.

Thứ ba, đối với việc nghỉ hưu

Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

"1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;"

Vì thời gian bác làm việc ở cả hai xưởng là hơn 24 năm do đó bác đã có hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu tên công việc của bác được sửa lại đúng và là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tức là bác có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tuổi hưởng lương hưu của bác là từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi nếu bác là nam giới, từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi nếu bác là nữ giới.

Trong trường hợp công việc của bác không phải là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi hưởng lương hưu của bác là đủ 60 tuồi nếu bác là nam giới, đủ 55 tuổi nếu bác là nữ giới.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về bảo hiểm xã hội đối với ngành nghề độc hại, nặng nhọc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo