LS Xuân Thuận

Tư vấn trường hợp NSDLĐ chậm trả lương, Sổ BHXH cho NLĐ khi NLĐ nghỉ việc

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính gửi Luật Sư và công sự. Tôi là P V: Tôi xin nhờ Luật sư tu vấn cho tôi một việc như sau: Năm 2014 tôi có làm việc cho một công ty sản xuất về Inox rất có thương hiệu nổi tiếng tại thị trường trong nước từ ngày 05/3/2014. Tôi và công ty có ký kết hợp đồng lao động với thời hạn 1 năm và tôi được công ty đóng bảo hiểm. Trong quá trình làm việc không có vấn đề xảy ra giữa tôi và công ty.


Ngày 08/4/2015, vì lý do sức khỏe nên tôi viết đơn xin nghỉ việc, tôi đã làm đúng theo quy định của công ty là 30 ngày kể từ khi viết đơn và bắt đầu kết thúc công việc từ ngày 08/5/2015.

Tôi đã tiến hành việc bàn giao công việc cho người nhận được uỷ quyền bằng văn bản theo chỉ đạo của Tổng GĐ, đồng thời 2 bên đã bàn giao công việc bằng văn bản giấy tờ đầy đủ có xác nhận chứ ký của người giao/nhận và gửi TCHC và Tổng GĐ phê duyệt.

Ngày 09/5/2015 có quyết định nghỉ việc của Tồng GĐ phê duyệt cho tôi.

Theo quy định của công ty sau khi nghỉ việc người lao động sẽ nhận tiền lương và tiền ký quỹ sau 30 ngày kể từ khi kết thúc công việc. Ngày 08/6/2015, sau 30 ngày kết thúc công việc tôi có báo cho PTCHC về việc thanh toán lương của tôi. Tuy nhiên tôi không nhận được bất kỳ thông báo ngày nào sẽ quyết toán lương cho tôi và chỉ nhận được thông báo là giữ lại lương và quỹ của tôi mà không có lý do. Ngày 10/6/2015, tôi đã liên hệ thêm lần nữa thì được báo chờ Phó TGĐ phê duyệt. Ngày 22/6/2015, tôi trực tiếp lên Phòng TCHC để quyết toán lương và lấy số BHXH thì Phòng TCHC đã đưa cho tôi một văn bản nói về sản phẩm Inox bị trả về và Phó TGĐ muốn quy trách nhiệm cho tôi và đề xuất giữ lại lương, đồng thời chưa quyết toán lương cho tôi.

Trong quá trình giữ lại lương của tôi trong vòng 30 ngày thì tôi không nhận được bất kỳ văn bản hay thông báo gì về việc sản phẩm bị lỗi do thị trường trả về hay mời tôi xuống giải quyết các vấn đề trên, tôi chỉ biêt văn bản từ nhà máy gửi về công ty ngày 13/6/2015 sau 6 ngày kết thúc thời gian quyết toán lương. Vậy xin hỏi luật sư và công sự tư vấn cho tôi như sau:

-       Theo quy định của nhà nước, các doanh nghiệp giữ lại lương của người lao động vượt quá ngày mà không có văn bản báo cho người lao động thì doanh nghiệp có làm sai với quy định  nhà nước không ạ. Tôi có quyền hạn được đòi hỏi gì trong việc này.

-       Trong quá trình chờ sau 30 ngày thanh toán lương. Công ty không có văn bản giấy tờ thông báo người lao động về việc hàng lỗi sản xuất. Công ty lại quy trách nhiệm cho người lao động, vậy công ty làm đúng hay sai?
Xin nói thêm về trong quá trình sản xuất tại nhà máy, tất cả các khuôn, cối máy móc đã cũ, các sản phẩm bị lỗi đều được thông qua phó TGĐ đồng ý cho sản xuất. Chúng tôi vẫn sản xuất theo như quy trình, mỗi năm sản xuất từ 25- 30 ngàn sản phẩm. Vậy trong quy trình đều có lỗi về kỹ thuật và độ rủi ro là mang tính chất về sản xuất, đây không phải là người lao động cố tình mà là lỗi trong máy móc khi vận hành, đều được thông qua với Phó TGĐ.

Vậy, công ty đang giữ lại lương của tôi theo mục đích không đúng và không báo cho người lạo động nắm được nhưng vẫn quy trách nhiệm cho tôi.

Rất mong nhờ luật sư và công sự tư vấn giúp tôi phải làm thế nào để có thể quyết toán lương cho tôi, và tôi có thể khởi kiện công ty được không? quy trình thủ tục khởi kiện thế nào? Trân trọng cảm ơn luật sư và công sự.

 

Trả lời tư vấn:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, công ty không thanh toán tiền lương và các khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn quy định

Liên quan đến vấn đề này, Khoản 2 và khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
 
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”


Vậy, nếu công ty không trả lương và trả sổ BHXH cho bạn trong thời hạn nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật. Đối với hành vi này, công ty sẽ bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Theo đó, người sử dụng lao động bị phạt từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương, trợ cấp( nếu có) cho người lao động cộng với khoản tiền tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền lương, trợ cấp đối với hành vi không trả hoặc trả không đầy đủ tiền lương, trợ cấp cho người lao động; buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định trên, khi công ty chậm trả lương và các khoản liên quan đến quyền lợi của bạn trong thời hạn pháp luật quy định, bạn có thể yêu cầu công ty thnah toán một khoản tiền bằng tiền lãi của tiền lương của bạn mà công ty chậm trả.

Thứ hai, trách nhiệm của bạn đối với lô hàng bị trả về

Theo thông tin bạn cung cấp, máy móc, thiết bị làm việc của đã cũ và việc sản xuất có thể tạo ra các sản phẩm bị lỗi nhưng đã được phó TGĐ đồng ý cho sản xuất. Sản phẩm của công ty bị trả về là do lỗi kỹ thuật xuất phát từ việc máy móc sản xuất đã cũ, không phải do lỗi của người lao động. Hơn nữa, Ban giám đốc công ty đã biết rõ về nguyên nhân và hậu quả có thể xảy ra của việc sử dụng những máy móc, thiết bị này nhưng vẫn thông qua quy trình sản xuất. Nên, trong trường hợp này lỗi thuộc về phía công ty, bạn không có lỗi trong việc sản xuất ra các sản phẩm không đạt chất lượng dẫn đến sản phẩm bị trả về. Việc công ty quy trách nhiệm cho bạn là trái quy định của pháp luật.

Để giải quyết đồng thời hai vấn đề nêu trên, bạn có thể khiếu nại đến Ban giám đốc công ty về việc chậm thanh toán tiền lương và giải quyết trách nhiệm của bạn đối với lô hàng bị trả về. Hoặc, bạn yêu cầu Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở tiến hành hòa giải. “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải” (Khoản 2 Điều 201 Bộ luật lao động). Hoặc, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết. Bạn lưu ý về thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động và thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp:

“1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
 
2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”
(Điều 202 Bộ luật lao động 2012).

 

Trân trọng!
CV. Danh Thị Huệ - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo