Cà Thị Phương

Tư vấn trường hợp người lao động làm bảo vệ và đã nghỉ hưu

Tôi đã nghỉ hưu, nay đi làm bảo vệ cho hội chữ thập đỏ của tỉnh và được kí hợp đồng lao động theo NĐ 68/2000/NĐ-CP. Thời gian làm việc: buổi sáng từ 11h30 đến 13h30; buổi chiều từ 17h đến 7h sáng hôm sau (kể cả ngày lễ và Tết). Được hưởng lương theo hệ số 1,5 bậc 1/12, được hưởng các phụ cấp theo quy định của nhà nước. Hiện tại bảo hiểm xã hội và y tế tôi không phải đóng (vì tôi đã hưởng lương hưu).

 

Hỏi:  Vậy tôi có được hưởng phần BHXH và BHYT do cơ quan chi trả trong thời gian tôi làm bảo vệ cho hội chữ thập đỏ của tỉnh theo nghị định 68/2000 hay không? Và thời gian làm việc của tôi thành 16 tiếng/ngày có được tính thêm giờ không? Ngày lễ ngày tết tôi có được nghỉ không?

 

Trả lời: Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấ đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bác chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

1. Về chế độ BHXH, BHYT

 

Căn cứ khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Đồng thời căn cứ khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.”

 

Bác đang được hưởng chế độ hưu trí, không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Theo quy đinh ở trên khi kí hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trả thêm cùng lương của bác một khoản tiền tương ứng với tiền đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

 

2. Về thời gian làm việc và chế độ nghỉ lễ tết

 

Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm việc dưới hình thức hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP được điều chỉnh bởi pháp luật lao động cụ thể như sau:

 

Điều 104 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động:

 

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.

…”.

 

Vậy, theo quy định của pháp luật, thời gian làm việc bình thường của người lao động chỉ tối đa là 8h/ngày. Từ thông tin bác cung cấp, bác làm việc 16 h/ ngày lớn hơn so với thời gian làm việc bình thường. Thời gian làm việc dư ra, có thể đã theo thỏa thuận của các bên về việc làm thêm giờ và có chế độ tiền lương tương ứng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận  về thời gian làm việc trong hợp đồng thì thời gian 4 tiếng tăng thêm sẽ tính vào thời gian  làm thêm giờ. Bác xem xét các điều khoản trong hợp đồng, nếu cho rằng quyền và lợi ích của mình đang bị xâm phạm thì bác có quyền gửi đơn khiếu nại trực tiếp tới trưởng cơ quan, đơn vị trình bày sự việc và yêu cầu trả thêm tiền lương làm thêm giờ.

 

Điều 110 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời gian nghỉ hằng tuần:

 

“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động”

 

Mặt khác, Điều 115 Bộ luật lao động quy định như sau:

 

“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

 

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

 

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

 

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

 

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

 

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

 

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

 

3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.”

 

Cũng theo Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

 

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

 

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

 

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

 

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

 

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”

 

Như vậy, bác sẽ được nghỉ các ngày lễ tết theo quy định, trường hợp các thỏa thuận làm việc các ngày lễ tết, bác được hưởng  lương 300% và nguyên lương ngày đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp người lao động làm bảo vệ và đã nghỉ hưu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Nguyễn Hoài Thu – Công ty Luật Minh Gia

 

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo