Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đăng ký dạy nghề là gì? Thủ tục đăng ký hoạt động dạy nghề

Hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm, thất nghiệp luôn là sự quan tâm hàng đầu của người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Việc đào tạo nghề chính là một trong những giải pháp giúp cho người lao động có cơ hội được tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực của bản thân, tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, nhu cầu học nghề ngày càng tăng cao ở hầu hết các lĩnh vực đào tao nghề nghiệp. Chính vì vậy, hiện nay đã có rất nhiều trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, việc thành lập một tổ chức đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây là sự khái quát về điều kiện và quy trình, thủ tục đăng ký dạy nghề.

 

1. Đăng ký dạy nghề là gì?

Đăng ký dạy nghề hay thành lập trung tâm dạy nghề là một trong những hoạt động về giáo dục nghề nghiệp được quy định trong luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Khoản 1, 2 Điều 3 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 định nghĩa như sau:

“1. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

2. Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.”

Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn đăng ký thành lập trung tâm dạy nghề nhưng không biết làm thế nào để thành lập cũng như xin giấy phép dạy nghề. Dưới đây chúng tôi sẽ nêu ra những điều kiện để thành lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục xin giấy phép đào tạo nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Đối với mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có các điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác nhau, cụ thể:

Đối với đào tạo trình độ sơ cấp:

  • Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học;
  • Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.

 

Đối với đào tạo trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng:

  • Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục nghành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành; phù hợp với cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
  • Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo;
  • Có chương trình đào tạo của từng ngành, nghề đăng ký hoạt động được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội;
  • Có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, đảm bảo mục tiêu, chương trình đào tạo.

 

3. Hồ sơ đăng ký dạy nghề.

Hồ sơ đăng ký hoạt động đào tạo nghề bao gồm:

1. Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu

2. Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu

3. Hồ sơ chứng minh về cơ sở vật chất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê, mua, chuyển nhượng địa điểm đào tạo còn thời hạn ít nhất là 02 năm đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp

4. Hồ sơ chứng minh về thiết bị, dụng cụ đào tạo bao gồm: Bản sao (không cần chứng thực) hợp đồng mua bán, biên bản thanh lý, biên bản nghiệm thu, hóa đơn tài chính.

Nếu thiết bị đào tạo đi thuê: Bản sao (không cần chứng thực) hợp đồng thuê thiết bị, biên bản bàn giao thiết bị. Hợp đồng thuê thiết bị đào tạo phải còn thời hạn ít nhất 05 năm đối với trường trung cấp, trường cao đẳng; còn thời hạn ít nhất là 02 năm đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

5. Hồ sơ chứng minh của nhà giáo:

Mỗi nhà giáo phải có các hồ sơ chứng minh sau (bản sao không cần chứng thực):

– Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động (đối với nhà giáo cơ hữu); hợp đồng thỉnh giảng (nếu là nhà giáo thỉnh giảng);

– Văn bằng đào tạo chuyên môn;

– Nếu không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm phù hợp với trình độ đào tạo được phân công giảng dạy.

6. Một chương trình đào tạo bao gồm:

– Quyết định ban hành chương trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

– Chương trình đào tạo chi tiết.

 

4. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Bước 1: Gửi hồ sơ theo quy định tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trường hợp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại phân hiệu, địa điểm đào tạo khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính thì gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt phân hiệu, địa điểm đào tạo khác của cơ sở;

Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia liên quan đến thủ tục đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc hoặc có bổ sung thêm thông tin cần tư vấn, anh/chị vui lòng liên hệ tới công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời. Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo