Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn quyền lợi khi nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2017

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi là giáo viên đang dạy THCS, tôi ra trường và bắt đầu dạy từ tháng 10/1986. Thời gian hết tập sự và chuyển chính thức ngày 1/4/1988. Tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Tôi sinh ngày 30/10/1965, hiện tại tôi vẫn giảng dạy và làm công tác tổ phó tổ chuyên môn có phụ cấp: 0,15, và kiêm nhiệm: Tổng phụ trách đội, có hệ số là: 0,1, tôi đang hưởng lương bậc 8, có hệ số: 4,56. Tôi có ý định nghỉ hưu trước tuổi, tôi chưa rõ về chính sách lắm, bạn tôi khuyên tôi tháng 1/2017 làm đơn xin nghỉ.( đợt 1 của năm 2017), hoặc tháng 7/2017 làm đơn (nghỉ đợt 2 của năm 2017.) Vậy xin Luất sư tư vấn giúp cho tôi nên nghỉ vào thời điểm tháng, năm nào thì có lợi nhất và được hưởng chế độ như thế nào. Nếu theo qui định nghỉ đúng tuổi của nữ thì tháng 10/2020 tôi sẽ được nghỉ đúng qui định (nữ 55 tuổi), nhưng tôi không muốn chờ đến thời gian đó, sợ sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 58 hoặc 60 thì tôi không đảm nhiệm được. Rất mong được các luật sư tư vấn giúp, tôi xin chân thành cảm ơn!

 

 

Trả lời tư vấn:

Chào chị! Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ nghỉ hưu trước tuổi theo Luật BHXH năm 2014:
 

"Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

 

Theo đó, nếu kết quả giám định sức khoẻ của chị cho thấy chị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì chị được nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động.

Về mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động.

 

Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng

 

"1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

 

Như vậy, cách tỉnh tỷ lệ lương hưu trong hai thời điểm đầu năm 2017 và cuối năm 2017 không có sự thay đổi (tỷ lệ phần trăm tiền lương hưu của nữ thấp hơn bắt đầu từ 1/1/2018) nên chị có thể lựa chọn việc nghỉ hưu sớm vào cuối năm 2017. Vì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chị bị trừ 2% tiền lương hưu, thời gian nghỉ hưu trước tuổi càng ngắn thì tỷ lệ % tiền lương hưu bị trừ càng thấp.

 

Chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!
 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo