Vũ Thanh Thủy

Tư vấn pháp luật về trợ cấp thôi việc

Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLD) liên tục với phòng giáo dục huyện Cát Tiên từ tháng 9 năm 1998 đến tháng 11/2010 thì tôi được tuyển dụng viên chức. Ngày 01/4/2015 tôi xin thôi việc theo nguyện vọng. BHXH đã trả cho tôi 5 tháng trợ cấp thất nghiệp tính từ tháng 01/2009 đến hết tháng 3/2015.


Thời gian từ tháng 9/1998 đến tháng 12/2008 tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Và mức hưởng của tôi như thế nào? Tôi đã làm đơn gửi Phòng Tài chính huyện thì được trả lời rằng: Tôi đã được hưởng BHTN rồi nên tôi không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa. Như vậy là đúng hay sai? Tôi phải thưa kiện lên cơ quan nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về trợ cấp thôi việc với thời gian làm việc từ tháng 9/1998 đến tháng 12/2008

Khoản 1 Điều 48 Luật lao động 2012 quy định: “Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

Như vậy bạn là đối tượng được xét hưởng trợ cấp thôi việc vì lý do nghỉ việc của bạn là tự nguyện nghỉ việc theo nguyện vọng. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của bạn là thời gian làm việc thực tế trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật lao động 2012:

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.”

Bạn có thời gian làm việc từ tháng 9 năm 1998 đến tháng 11 năm 2010 theo chế độ hợp đồng lao động và được tuyển dụng vào nghạch viên chức làm việc từ năm 2010 đến năm 2015. Bảo hiểm thất nghiệp đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 2009. Như vậy bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc từ thời điểm tháng 9 năm 1998 đến tháng 12 năm 2008.

Thời gian làm việc thực tế của bạn làm căn cứ tình trợ cấp thôi việc là 10 năm 3 tháng. Pháp luật tính làm tròn thành 10 năm căn cứ điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:

Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.”


Thời gian hưởng trợ cấp thôi việc của bạn được tính là 10 năm làm việc ứng với thời gian làm việc từ tháng 9/1998 đến tháng 12/2008. Đây là quyền lợi chính đáng mà bạn được hưởng. Trả lời của Phòng tài chính huyện là không đúng với quy định của pháp luật.
 
Mức hưởng trợ cấp thôi việc của bạn = 10 × bình quân lương 6 tháng liền kề trước khi bạn nghỉ việc ÷ 2.

Về quyền khiếu nại
 
Điều 135 Luật bảo hiểm xã hội 2006 quy định: “Các hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội

1. Cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động...

Phòng tài chính huyện đã vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội vì đã không công nhận quyền lợi chính đáng của bạn. Bạn có thể khiều nại về sai phạm này và giành lại quyền lợi của mình theo trình tự thủ tục tại Điều 56 Nghị định 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:
 
Điều 56. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội theo khoản 2 Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
 
1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội:
a) Người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội của mình bị khiếu nại;…
b) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà người sử dụng lao động, Thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội đã giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết và trong cùng thời gian đó người khiếu nại không khởi kiện tại toà án.
 
2. Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội.
a) Khi phát hiện quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó;
b) Khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu, người, tổ chức có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại phải xem xét thụ lý và giải quyết khiếu nại;
c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.”
 
Cơ quan bạn khiếu nại là Phòng tài chính huyện nơi đưa ra quyết định không cho bạn hưởng trợ cấp thôi việc. Phòng tài chính huyện có nghĩa vụ xem xét và giải quyết. Luật khiếu nại, tố cáo năm 2011 quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn pháp luật về trợ cấp thôi việc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV Nguyễn Tuấn Hải - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo