Nguyễn Thị Lan Anh

Tư vấn người lao động đòi các quyền lợi khi giao kết hợp đồng với bên thứ ba

Luật sư tư vấn về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, trách nhiệm trả lương làm thêm giờ? Cách giải quyết để đòi quyền lợi trong trường hợp kí hợp đồng với bên thứ ba?

1. Luật sư tư vấn về hợp đồng lao động:

Hợp đồng lao động có thể hiểu là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, trong đó sẽ ghi nhận các quy định về điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. 

Việc giao kết hợp đồng lao động sẽ dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các quy định của pháp luật lao động. Các bên có thể tiếp tục thỏa thuận để tiến hành sửa đổi hoặc kí mới trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

Để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần hiểu rõ các điều khoản hợp đồng có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Nếu bạn còn thắc mắc và cần sự trợ giúp đội ngũ luật sư, hãy liên hệ với chúng tôi thông qua:

- Tư vấn trực tiếp tại văn phòng

- Tư vấn qua email: lienhe@luatminhgia.vn

Tư vấn qua tổng đài điện thoại, gọi: 1900.6169

Bạn cũng có thể tham khảo tình huống cụ thể dưới đây để có thêm hướng xử lý quyền lợi của người lao động khi ký kết hợp đồng lao động ba bên.

2. Luật sư tư vấn về hợp đồng lao động ba bên:

Nội dung tư vấn: Kính thưa quý công ty, quý luật sư, tôi có vấn đề xin đc nhờ quý công ty, quý luật sư tư vấn dùm như sau:Tôi làm việc cho một công ty tài chính, mọi thứ đều làm theo quy định của công ty tài chính nhưng ký hợp đồng với bên thứ ba. Tôi chỉ biết đến công ty thứ ba đó dưới hợp đồng lao động ngoài ra không có liên hệ gì. Trong quá trình làm việc, lúc phỏng vấn nói khác, khi vào làm hoàn toàn khác. Công ty đề ra rất nhiều kpi và ép chúng tôi làm theo, không làm thì ép nghỉ hoặc trừ lương các kiểu theo quy định ... thích là đề ra và bắt buộc làm theo, không làm thì gây khó dễ đủ thứ, hoặc đuổi ngay lập tức mà không có bồi thường hay quyền lợi gì, thậm chí có quyền đuổi mà không cần trả lương. Ép buộc tăng ca nếu không đủ target ngày, tăng ca không lương, không cho thỏa thuận mà là ép buộc. Tăng ca thì tới 8h-8h30 khi bảo vệ tòa nhà đuổi mới thôi, mà trước 7h nếu không bấm vân tay chấm công thì sau 7h không bấm được là mất ngày công luôn. Bởi vì quá mệt mỏi cho nên tôi đã viết đơn xin nghỉ việc từ ngày 7/10-7/11. Nhưng 1/2 tháng gần kết thúc ngày nghỉ, công ty bắt đầu đề ra kpi, yêu cầu công việc,.... rất nhiều và không chấp nhận thương lượng, ví dụ 1 ngày phải có người hứa nộp hồ sơ vay, nếu không có phải tìm cho có không đc về, tăng ca tới có thì thôi, về thì mất ngày công. Tôi quá mệt mỏi và đau đầu cho nên đến ngày 2/11 là cuối tuần và chỉ còn 4 ngày công, do suy nghĩ sai vì quá áp lực, và sẵn tiện sắp xếp về quê thăm nội tôi vì nội tôi yếu lắm rồi, trc đó Ba tôi có kêu sắp xếp nhưng tôi không sắp xếp được do quê tôi đi về xa, và xin nghỉ phép rất khó khăn nếu không chạy được số, tôi đã xin teamleader quản lý trực tiếp của mình (chúng tôi chỉ làm việc trực tiếp với teamleader và teamleader có nghĩa vụ báo cáo lên chứ không làm việc trực tiếp với cấp trên) cho phép tôi đc nghỉ sớm, nếu không được tôi vẫn làm tiếp, nhưng teamleader đã đồng ý cho tôi đc nghỉ.Trong khi nghỉ tôi đc teamleader thông báo là cấp cao hơn của teamleader không đồng ý và yêu cầu cắt code tôi nghỉ ngang không đc hưởng lương. Vậy trong trường hợp này, tôi nên giải quyết như thế nào, có được phép đòi quyền lợi của mình không, và bồi thường thiệt hại như với việc tôi nghỉ sớm 4 ngày. Mong đc hướng dẫn từ quý luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như theo tin bạn cung cấp, phía bên công ty mà bạn làm việc có những hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.

Đầu tiên, phía công ty đã không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm thêm giờ và tiền lương làm thêm theo như thỏa thuận cũng như quy định của pháp luật lao động. Căn cứ quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động 2012 phải tuân thủ các điều kiện sau:

“1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

Thời gian làm việc bình thường của người lao động không được quá 8 tiếng/ngày nên thời gian bạn làm việc theo yêu cầu của công ty khi ngoài thời giờ làm việc bình thường được coi là làm thêm giờ. Và công ty có trách nhiệm trả lương làm thêm giờ cho bạn theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012.

Về vấn đề bạn nghỉ 04 ngày cuối trước khi nghỉ việc. Tại Điều 111 Bộ luật lao động 2012 quy định về nghỉ phép năm như sau:

“1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

Trong trường hợp này, bạn chưa chấm dứt hợp đồng nên vẫn là người lao động bình thường của công ty và vẫn có quyền xin nghỉ phép nếu còn ngày nghỉ phép năm. Khi bạn xin nghỉ đã được teamleader đồng ý, và nếu quy chế công ty cho phép khi xin nghỉ chỉ cần thông qua teamleader thì trường hợp của bạn là phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu bạn có đầy đủ căn cứ như trên thì bạn nghỉ việc là hợp pháp và vẫn được hưởng lương như bình thường bao gồm 04 ngày nghỉ phép.

Với những hành vi trái với quy định của công ty bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên ban lãnh đạo người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Sở lao động - thương binh và xã hội) hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại cơ quan tòa án cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở. Thông tin bạn đưa ra vẫn chưa xác định trách nhiệm trong quá trình sử dụng lao động là từ phía công ty hay bên thứ ba. Tuy nhiên, bạn kí hợp đồng lao động trực tiếp với bên thứ ba nên nếu thực hiện thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện thì trách nhiệm vẫn được xác định thuộc về bên thứ ba và công ty quản lý bạn đóng vai trò là bên có liên quan với việc quản lý người lao động và giải quyết các chế độ làm việc của bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo