Luật sư Vũ Đức Thịnh

Tư vấn nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giảm biên chế

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP như sau:


Nội dung đề nghị tư vấn:

Tôi là cán bộ Thuế cấp Huyện, nay 45 tuổi, có thời gian tham gia BHXH là 27 năm. Hệ số lương của tôi hiện tại là 4,32 và hiện đang được hưởng trợ cấp suy giảm khả năng lao động 41%. Do sức khỏe không được tốt nên tôi muốn nghỉ việc theo quy định về tinh giản biên chế theo NĐ 108. Vậy tôi kính nhờ Luật sư tư vấn và tính toán cho tôi xem sau khi tôi nghỉ việc thì tôi được nhận bao nhiêu khoản, những khoản gì? Và tổng cộng cụ thể các khoản đó được bao nhiêu tiền? Xin trân trọng cảm ơn !
 

Tư vấn nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giảm biên chế
Nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giảm biên chế
 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP Nghị định về chính sách tinh

“Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi

1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;

c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;

3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.”

Theo thông tin bác cung cấp, trường hợp của bác, dù là nam hay nữ đều không đáp ứng đủ điều kiện nào theo quy định tại Điều 8 NĐ 108/2014 trên.

Mặt khác, tại Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động:

“Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.”

Theo quy định trên, trường hợp của bác chưa đủ điều kiện về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động nên sẽ không được áp dụng quy định trên.

Trường hợp của bác có thể Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chờ đến khi đủ độ tuổi về hưu. Trường hợp này được tính như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu. (Khoản 1 Điều 59 Luật BHXH 2006)

Do bác không nêu cụ thể hệ số lương của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu nên chúng tôi không có căn cứ để tính cụ thể cho bác được. Về thời gian tham gia BHXH:

15 năm đầu tiên tính bằng 45% mức bình quân tiền lương;

12 năm tiếp theo (x) 2% = 24 % mức bình quân tiền lương;

Tổng 27 năm = 69 % mức bình quân tiền lương.

Như vậy, mức lương hưu hằng tháng mà bác được hưởng là 69% mức lương bình quân trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

 

Trân trọng !

Luật gia: Vũ Đức Thịnh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo