Trần Tuấn Hùng

Tư vấn một số thắc mắc về phụ cấp thu hút

Luật sư tư vấn về vấn đề các điều kiện hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp công tác lâu năm và trợ cấp lần đầu. Cụ thể như sau:

 

Luật sư cho tôi xin hỏi, cơ quan tôi dược hưởng phụ cấp thu hút từ theo quyêết điịnh 582 ngaày 28/4/2017.Cơ quan tôi có một trường hợp chuyển công tác từ nơi khác về (nơi công tác lúc trước đang hưởng phụ cấp thu hút dược 4 năm 3 tháng) nay về đến cơ quan tôi được hưởng thêm phụ cấp thu hút là 9 tháng thì đủ 05 năm. Người này vẫn chưa được hưởng phụ cấp lần đầu là 10 tháng lương cơ sở. Vậy người này có được hưởng phụ cấp lần đầu không? Sau khi đủ thời gian hưởng phụ cấp thu hút thì người này được hưởng thêm phụ cấp lâu năm phải không? Đối với các trường hợp còn lại thì được hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp lần đầu là 10 tháng lương cơ sở không? Do cơ quan tôi mới được công nhận là xã có điều kiên kinh tế khó khăn theo Nghị định 582 nên dược hưởng từ đầu tháng 5/2017. Phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm, phụ cấp lần đầu thì chỉ có phụ cấp thu hút phải đóng bảo hiểm xã hội phải không luật sư? 

 

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, nếu đang hưởng phụ cấp thu hút mà chuyển công tác thì có được hưởng trợ cấp lần đầu không?

 

Căn cứ Điều 6 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng như sau:

 

“Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau:

 

1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung;

 

2. Trường hợp có gia đình chuyển đi theo thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho hộ gia đình;

 

3. Chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì nếu người này đủ điều kiện hưởng mà chưa được hưởng trợ cấp lần đầu trong cả thời gian chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn được hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định trên tuy nhiên phải có điều kiện là phải công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên đối với nữ và từ 05 năm trở lên đối với nam.

 

Thứ hai, nếu hưởng xong phụ cấp thu hút thì được hưởng phụ cấp lâu năm đúng không?

 

Căn cứ Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

 

“Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau:

 

1. Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

 

2. Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

 

3. Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.”

 

Như vậy, sau khi có thời gian làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn từ 05 năm trở lên thì sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo quy định trên.

 

Thứ ba, đối với các trường hợp không phải chuyển công tác đến thì có được hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp lần đầu không?

 

Các trường hợp ban đầu đã làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì được hưởng phụ cấp lần đầu và được hưởng phụ cấp thu hút vì phụ cấp lần đầu và phụ cấp thu hút áp dụng với những đối tượng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 2 của Nghị định 116/2010/NĐ-CP, mà đối tượng tại Điều 2 thì bao gồm cả những người đang công tác và những người chuyển đến công tác.

 

Thứ tư, phụ cấp thu hút, phụ cấp lần đầu và phụ cấp lâu năm có phải tham gia bảo hiểm xã hội hay không?

 

Căn cứ Khoản 2, Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định về Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động:

 

“2. Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

 

a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

 

b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.”

 

Và căn cứ  Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy địn về Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

 

“Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

 

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

 

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.”

 

Như vậy, phụ cấp thu hút và phụ cấp lâu năm đều mang tính chất thu hút lao động để phục vụ cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, duy trì số lao động trong khu vực này và với tính chất này thì đây là khoản phụ cấp phải tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định trên.

 

Còn trợ cấp lần đầu không phải là khoản tiền phải tham gia bảo hiểm xã hội vì đây chỉ là một khoản bổ sung được chi trả một lần và không mang tính chất thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo