Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn khi NSDLĐ vi phạm chế độ tiền lương, thời giờ làm việc của NLĐ

Nội dung yêu cầu tư vấn: Mình là người lao động muốn được tư vấn về luật lao động, mình hiện tại đang làm việc tại CTCP A


1. Khi mình vào làm việc công ty yêu cầu mình phải đặt bằng gốc như vậy có đúng với luật lao động không, và nếu ko có bằng gốc mình phải đặt 1 số tiền là 5,000,000vnđ, như vậy có đúng với luật lao động của việt nam không, và khi đặt bằng gốc công ty có ký 1 biên bản gọi là biên bản " Ký gửi bằng gốc" chứ không phải là biên bản "giữ bằng gốc"
2. Mình làm nhân viên kỹ thuật triển khai là đi giao lắp các sản phẩm tới nhà khách, mình không có lương cơ bản mà chỉ được hưởng những đơn hàng mà mình giao tới nhà khách, như vậy cty có làm đúng với luật lao động không
3. Mình không có lương cơ bản của bên cty chi trả mà mình vẫn phải đóng bảo hiểm, mà chỉ có lương khi mình có đơn hàng giao tới nhà khách, nếu không có đơn hàng mình sẽ ko có lương,và trong hợp đồng lao động là được hưởng 3,320,000vnđ tiền lương cơ bản, nhưng thực tế là không có lương cơ bản, xin anh chị, các bạn cho mình được biết như vậy công ty đang làm đúng hay sai
4. Thời gian thử việc của mình kéo dài 5-7 tháng như vậy cty làm đúng hay sai, với trình độ và bằng cấp của mình là "cao đẳng" xin bạn cho hỏi cty làm như vậy đúng hay sai
5. Thời gian làm việc của mình kéo dài tới 10-11h/1 ngày ca làm việc và chiếm 70h/1 tuần, và giờ làm thêm đó mình ko được tính công, và chỉ được quy đổi thành quỹ nghỉ bù
6. Mức lương ghi trong hợp đồng lao động là 3,320,000vnd, nhưng khi thực nhận chỉ đc 2,750,000vnđ số tiền đó chưa đóng bảo hiểm. Vậy nhờ anh chị , các bạn tư vấn giup mình để mình đi đòi quyển lợi của người lao động. Cảm ơn và xin nhận được câu trả lời từ phía các bạn. Xin cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Về việc công ty giữ bằng gốc

Trường hợp này, công ty yêu cầu bạn phải giao bằng gốc hoặc đặt cọc tiền khi giao kết hợp đồng là trái pháp luật. Căn cứ:

Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.


Theo đó, thì việc công ty giữ bằng của bạn và yêu cầu bạn nộp tiền đặt cọc tiền là hành vi vi phạm pháp luật , dù hành vi nộp bằng gốc là tự nguyện hay ép buộc thì đây là hành vi bị pháp luật cấm nên buộc các bên phải tuân thủ. Do đó để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể liên hệ trực tiếp bộ phận nhân sự hoặc ban giám đốc của Công ty yêu cầu họ hoàn trả giấy tờ gốc cho bạn. Trong trường hợp phía Công ty cố tình không trả giấy tờ gốc cho bạn thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra lao động cấp huyện để yêu cầu can thiệp xử lý hành vi vi phạm của công ty.

2. Về chế độ tiền lương

Pháp luật quy định mức lương do hai bên thỏa thuận được ghi trong hợp đồng lao động, tuy nhiên không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định ( Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2012).

Theo như bạn trình bày, công ty và bạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lương cơ bản là 3.320.000 đồng, chứ không phải là thỏa thuận trả lương theo hóa đơn. Như vậy, việc công ty chỉ trả lương cho bạn thấp hơn mức lương thỏa thuận trong hợp đồng là không có căn cứ.

Trường hợp này, bạn có thể viết đơn gửi đến Công ty yêu cầu họ giải trình về vấn đề trả lương cho bạn. Nếu họ không giải quyết hoặc bạn không chấp nhận thì bạn gửi đơn lên Phòng lao động và xã hội nơi công ty có trụ sở để được giải quyết. Bên cạnh đó, khi người sử dụng lao động vi phạm quy định về chế độ tiền lương sẽ bị xử lý như sau:

Điều 13 – Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về tiền lương

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

...

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Thời gian thử việc

Tại Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:

“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”


Theo bạn trình bày thời gian thử việc của bạn kéo dài 5-7 tháng, trong khi đó pháp luật chỉ quy định thời gian thử việc tối đa không quá 2 tháng (60 ngày). Như vậy, trường hợp này công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về thời gian thử việc.

4. Thời giờ làm việc

Theo Điều 104 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành".

Trong trường hợp của bạn, theo quy định trên thì công ty có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày. Do đó, nếu công việc của bạn theo tuần và không thuộc danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định pháp luật thì việc công ty quy định giờ làm 10 giờ trong một ngày và 70 giờ/tuần là trái với quy định pháp luật.

Và tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

"a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ".

Căn cứ quy định trên, trường hợp công ty ra quyết định yêu cầu bạn làm thêm giờ thì trước hết phải được sự đồng ý của bạn và đảm bảo số giờ làm thêm như trên.

- Trường hợp bạn làm thêm vào ngày làm việc thì khi công ty sắp xếp cho bạn nghỉ bù vào ngày làm việc khác thì bạn sẽ không được hưởng lương.

- Trường hợp nội quy công ty quy định, những ngày bạn đi làm là ngày nghỉ hàng tuần và trong trường hợp bạn phải làm thêm giờ vào ban ngày của những ngày đó, đồng thời những ngày này không rơi vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì bạn được trả lương làm thêm giờ ít nhất bằng 200% đơn giá tiền lương thực trả của công việc đang làm.

Nếu bạn được bố trí nghỉ bù thì công ty chỉ phải trả phần chênh lệch tiền lương làm thêm giờ vào ngày đó so với tiền lương của công việc đang làm vào ngày thường, tương ứng theo mức 100%.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn khi NSDLĐ vi phạm chế độ tiền lương, thời giờ làm việc của NLĐ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv. Thúy Ngần- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo