Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào các Luật sư Công ty Luật Minh Gia. Tôi có một sự việc nhờ các Luật sư tư vấn giúp. Cụ thể như sau: Tôi bắt đầu làm việc cho công ty từ 17.4.2017, tới 17.6.2017 thì ký hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm.

Lương trên hợp đồng là 4.500.000, lương thực nhận (không có trong hợp đồng, nhưng có email xác nhận) là 15.000.000 trong đó 10.500.000 là lương hiệu quả công việc. Do dự án công ty khởi xướng không mang lại lợi nhuận nên ngày 20.11.2017 người quản lý trực tiếp ép tôi viết đơn nghỉ việc qua trao đổi trực tiếp với lý do tôi không hoàn thành công việc (trên thực tế không phải như vậy). Tôi không đồng ý, vì lý do không chính đáng. Ngày 10.11.2017 công ty thông báo cho tôi biết chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 10.12.2017. Từ ngày 11.11.2017 tới ngày 10.12.2017 tôi bị thu máy tính và thẻ ra và công ty nên tôi không vào được văn phòng để làm việc.

Ngày 10.12.2017 tôi bị chấm dứt hợp đồng và tôi yêu cầu công ty bồi thường 02 tháng tiền lương trợ cấp mất việc (30.000.000), và 01 tháng lương tôi không được vào công ty (15.000.000). Tổng cộng 45.000.000. Nhưng không được đồng ý. Tôi đã gửi đơn khiếu nại lên Ban giám đốc tới nay đã 1 tháng nhưng chưa có thư phúc đáp. Vậy cho tôi được hỏi:

1. Công ty ép tôi nghỉ việc như vậy có đúng luật không?

2. Trường hợp của tôi thì công ty phải bồi thường như thế nào?

3. Nếu công ty sai luật, thì thời gian chờ phúc đáp của công ty từ 22.12.2017 tới nay 28.1.2018 có được bồi thường không?

4. Mức bồi thường theo mức lương trên hợp đồng lao động hay theo lương thực nhận?

5. Nếu công ty không giải quyết bồi thường thì tôi phải liên hệ ở đâu để được hỗ trợ đòi lại quyền lợi của mình. Chân thành cảm ơn các luật sư và mong sự hồi đáp sớm!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn chúng tôi xin đưa ra sự tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bạn

 

Tại Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

 

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

 

a)    Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

...

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

Và điểm a khoản 1 Điều 38 được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

 

1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”

 

Như vậy, đối với trường hợp của bạn phía công ty phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Quy chế này chỉ được ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Nếu công ty muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn thì phải đưa ra bằng chứng cụ thể về việc bạn không hoàn thành công việc, đối chiếu với quy định cụ thể của công ty. Nếu không thì việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ  này là trái quy định của pháp luật.

 

Thứ hai, nếu công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải bồi thường cho bạn như thế nào?

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

 

Như đã trình bày ở trên, nếu phía công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải thực hiện việc bồi thường, cụ thể phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc cộng với 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ. Đồng thời, tùy theo mong muốn của bạn và thỏa thuận giữa 2 bên để đưa  ra phương án giải quyết theo quy định tại Điều 42. Tương tự, thời gian bạn đợi hướng giải quyết từ phía công ty, bạn sẽ nhận được bồi thường như những ngày bạn không được làm việc. Mức bồi thường dựa theo mức lương được ghi nhận trên HĐLĐ (lương theo HĐLĐ bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp khác).

 

Thứ ba, khi người sử dụng lao động không thanh toán khoản tiền bồi thường cho người lao động

 

Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau

 

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

 

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

 

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

 

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

…”

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần có văn bản yêu cầu Giám đốc công ty, hoặc gửi đơn đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Công ty có trụ sở yêu cầu cử Hòa giải viên lao động, Thanh tra lao động can thiệp, yêu cầu Công ty thanh toán tiền bồi thường của bạn. Trường hợp hòa giải không thành, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi công ty có trụ sở chính.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Ng.K.Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo