LS Vy Huyền

Tư vấn chế độ nghỉ việc cho người lao động

Luật sư tư vấn đối với trường hợp người lao động nghỉ viêc thì người sử dụng lao động sẽ phải thanh toán những khoản trợ cấp gì? Nội dung tư vấn như sau:

 

Câu hỏi: Thân gửi văn phòng luật sư. Tôi có một vấn đề rất mong được tư vấn giúp. Vấn đề như sau: Công ty chúng tôi là cổ phần, thuộc một tập đoàn có nhiều công ty con. Có một nhân sự đảm nhiệm chức vụ giám đốc công ty con. Thời gian làm việc từ năm 2007 đến 2016. Từ năm 2007-2014, làm việc tại công ty A. Đến năm 2015 bắt đầu kiêm nhiệm thêm chức vụ phó giám đốc tại công ty B (công ty con cùng  tập đoàn với công ty A). Từ năm 2015, ít tham gia quản lý điều hành tại công ty A, công việc chính và thời gian làm việc đa số tại công ty B. Nhưng công ty B mới thành lập, nên công ty A gánh chịu các chi phí lương của nhân sự này, tức là hưởng 2/3 mức lương tại công ty A, hưởng 1/3 mức lương tại công ty B. Chế độ bảo hiểm đóng tại công ty A đúng theo quy định hiện hành. Đầu tháng 03/2016, nhân sự này đã bàn giao toàn bộ công việc tại Công ty A cho nhân sự khác thay thế, để tập trung quản lý điều hành tại công ty B. Có đầy đủ quyết định thuyên chuyển và biên bản bàn giao. Đến cuối tháng 03/2016, do nhân sự này bị phát hiện đã có những hành vi sai trái, bòn rút tài chính gây thiệt hại tại công ty A và công ty B. Nên chủ tịch hội đồng quản trị công ty mẹ, cũng là chủ tịch công ty A & B đã tổ chức 1 cuộc họp xử lý vấn đề này. Nhưng biên bản họp chỉ nêu chung chung và nhân sự này chối bỏ trách nhiệm, đề nghị được tham gia giải trình sự việc. Nhưng chủ tịch hội đồng quản trị không đồng ý và tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra cơ quan điều tra để làm rõ. Ngay sau cuộc họp, nhân sự này đã nghỉ việc, không đến công ty B làm việc và không liên lạc được, đổi địa chỉ cư trú, đổi số điện thoại. Đồng thời, CT HĐQT có công việc cá nhân nên đã nghỉ việc tại tập đoàn, và người khác thay thế. Và sự việc đi vào quên lãng. Bẵng đi một thời gian, nhân sự này đòi thanh toán tiền lương mà công ty A còn nợ, hơn 100 triệu đồng. (Trước kia tạm giữ để chờ xử lý kỹ luật). Vì HĐQT mới nên công ty A đã thanh toán đầy đủ tiền lương. Đến tháng 09/2017, nhân sự này lại muốn thanh toán chế độ thôi việc. Thực tế:- Công ty A đã thuyên chuyển nhân sự sang công ty B và có đầy đủ biên bản bàn giao, chấm dứt đóng bảo hiểm tại công ty A hết tháng 03/2016.- Công ty B đã ra quyết định sa thải vì có sai phạm, nhưng quyết định ra vào ngày thứ 4 kể từ ngày nhân sự tự ý nghỉ việc (ngày 21 tự ý nghỉ việc, ngày 24 ra quyết định sa thải).Chính vì nhân sự có sai phạm nêu trên, nên công ty không chi trả lương phép, chế độ nào cả. Hồ sơ về cuộc họp xử lý kỷ luật có file scan, bản gốc vị CT HĐQT cũ giữ, các công ty con không giữ bản gốc.Vậy tôi muốn nhờ văn phòng luật sư tư vấn hộ:1. Tại công ty A: Nhân sự này có được hưởng các chế độ thôi việc do thuyên chuyển lên công ty hay không? Công ty A có phải thanh toán những khoản lương, phụ cấp, trợ cấp nào cho nhân sự này hay không?2. Tại công ty B: Công ty B quyết định sa thải có đúng không? Nếu sai thì phải đền bù, thanh toán trợ cấp như thế nào cho nhân sự này?3. Về phía nhân sự nêu trên, nghỉ việc có đúng quy định hay không? Có sai phạm gì và có quyền lợi nào? Rất mong luật sư sớm giải đáp thắc mắc hộ tôi, tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Đối với công ty A

 

Căn cứ theo quy định tại điều 96 Bộ luật lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương. Cụ thể:

 

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

 

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

 

Như vậy, theo quy định thì khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với công ty A thì công ty sẽ phải có nghĩa vụ chi trả phần lương mà công ty đã nợ của họ. Đồng thời, công ty sẽ phải chi trả phần trợ cấp cho người lao động theo quy định tại điều 47 và điều 48 Bộ luật lao động 2012 đối với thời gian họ làm việc từ năm 2007 – 2009 trong đó bao gồm: trợ cấp thôi việc, sổ bảo hiểm xã hội, những khoản chi phí phát sinh và giấy tờ khác của người lao động mà công ty đang nắm giữ.

 

Tại công ty B            

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì công ty có tiến hành xử lý kỷ luật đối với người lao động về hành vi sai trái trong quá trình làm việc, tuy nhiên,  hội đồng xử lý kỷ luật lại chưa đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động là gì, cho nên việc công ty tự động cho người lao động nghỉ việc là không phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Mặt khác, theo quy định của khoản 3 điều 126 Bộ luật lao động thì người sử dụng lao động có quyền sa thải đối với trường hợp  Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.  Đối với trường hợp của công ty bạn do người lao động chưa nghỉ 5 ngày liên tục trong 1 tháng (nghỉ ngày 21)  cho nên việc công ty ra quyết định xa thải ngày 24 là sai quy định của pháp luật.

 

Do công ty bạn đã ra quyết định sa thải người lao động sai quy định cho nên trong trường hợp này công ty sẽ phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trong trường hợp hai bên không muốn tiếp tục hợp đồng lao động thì bên bạn sẽ phải chi trả cho người lao động phần lương cho thời gian làm việc thực tế của họ, đồng thời phải trả lại cho người lao động sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác có liên quan.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo