LS Hồng Nhung

Trường hợp người sử dụng lao động làm khó trong việc chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội.

Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người sử dụng lao động có quyền phạt hay không? Có quyền gây khó dễ trong việc chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: chào luật sư tôi có 1 vấn đề quan trọng nhưng không biết giải quyết ntn. Rất mong luật sư giúp đỡ tôi !khoảng năm 2004-2009 tôi đi làm cho công ty may tại hưng yên và có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vì gđ tôi có biến cố nên tôi đã nghỉ và không viết đơn,đến năm 2017 tôi đi làm lại  ,công ty có đóng bảo hiểm cho tôi, khi nhân viên kế toán làm thủ tục đóng bảo hiểm cho tôi thì phát hiện trên phần mềm kế toán đã có số sổ bảo hiểm cũ của tôi tại công ty đã nghỉ. và yêu cầu tôi đi chốt sổ và lấy lại sổ bảo hiểm đó . Nhưng gần 1 năm nay công ty đó gây khó dễ k trả sổ cho tôi và đồi phạt 7triệu ,tôi gọi đến thì nv bảo hiểm công ty cũ nói sẽ giải quyết theo luật lao động.Tôi không lắm rõ luật lao đông là ntn ,việc này làm cho cuộc sống của tôi và gđ sảy ra mâu thuẫn ,cãi vã .Kính mong luật sư tư vấn giúp đỡ tôi ạ!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này, thời gian làm việc và nghỉ việc của bạn tại công ty cũ thuộc thời gian áp dụng Bộ luật Lao động 1994 sửa đổi, bổ sung 2002, do đó xác định hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn theo điểm a Khoản 1 Điều 27:

 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

 

Vì vậy, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 1994:

 

Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất ba ngày.”

 

Mà theo như bạn đã trình bày, khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động, bạn hoàn toàn không báo trước cho công ty về việc nghỉ việc của bạn. Do đó, hành vi này là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Theo Khoản 2, 3, 4 Điều 41 Bộ luật Lao động 1994 sửa đổi, bổ sung 2002:

 

“2- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

 

3- Trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định của Chính phủ.

 

4- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

 

Vậy hành vi chấm dứt hợp đồng lao động của bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc và có thể sẽ phải bồi thường các chi phí tương ứng cho người sử dụng lao động.

 

Còn đối với hành vi gây khó dễ, không trả sổ bảo hiểm và đòi phạt bạn 7 triệu đồng vào thời điểm năm 2017 là thời điểm Bộ luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành, do đó sẽ căn cứ vào các luật này để giải quyết như sau:

 

Theo Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

 

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

 

Như vậy, công ty cũ của bạn có trách nhiệm trả sổ và xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho bạn về thời gian bạn đã đóng bảo hiểm.

 

Còn đối với hành vi phạt 7 triệu đồng bạn không nói rõ đây là khoản phạt bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hay phạt tiền chốt sổ bảo hiểm, do đó có hai trường hợp như sau:

 

Trường hợp 1: nếu phạt do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, trường hợp này phải căn cứ vào mức lương thực tế của bạn vào thời điểm đó thì mới có thể xác định được hành vi này là đúng hay sai.

 

Trường hợp 2: nếu phạt do chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội thì đây là hành vi trái với các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hồng Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo