Phạm Diệu

Trường hợp nào phải bồi thường chi phí đào tạo khi được cử đi học theo diện cử tuyển?

Luật sư tư vấn về trường hợp bồi thường chi phí đào tạo khi nghỉ việc trước thời hạn quy định. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính chào luật sư. Vợ em khi học xong 12 thi đại học Y nhưng thiếu 0,5 điểm và đăng ký được sở gửi đi học theo diện tự túc 100% chi phí. Sau khi ra trường vợ em thi vào biên chế và hiện đã làm được hơn 1 năm tại bệnh viện tỉnh. Do lúc trước khi đi học không để ý là đã ký hợp đồng gì với sở, em có lên sở liên hệ nhưng không được cung cấp thông tin. Khi vợ em tốt nghiệp thì sở giữ bằng đại học của vợ em luôn. Hiện tại em và vợ mới cưới sắp có con, mà em thì làm việc tự do ở tỉnh khác xa nơi làm việc của vợ, em có mong muốn được xin cho vợ chuyển công tác hoặc nghỉ việc tại cơ quan để tới cơ quan khác xin việc cho 2 vợ chồng gần nhau còn chăm con. Mong luật sư tư vấn giúp. Nếu vợ em xin nghỉ việc thì có được không, và có phải đền bù hợp đồng gì không? Nếu theo luật vợ em có thể chuyển công tác hoặc nghỉ việc và sở y tế phải trả lại bằng gốc cho vợ em thì mong luật sư giúp đỡ. Mong luật sư tư vấn giúp em để có hướng giải quyết!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo thông tin bạn cho biết thì chưa thể xác định được vợ bạn được Sở cử đi học theo diện cử tuyển hay theo diện nào?

 

Do vậy, giả sử trường hợp vợ bạn được cử đi học theo diện cử tuyển thì căn cứ theo quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP và Nghị định 49/2015/NĐ-CP để giải quyết.

 

Tại Điều 4 Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển như sau:

 

“Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người học theo chế độ cử tuyển

 

1. Người học theo chế độ cử tuyển có những quyền sau đây:

 

a) Được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển;

 

b) Được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo;

 

c) Được tiếp nhận và xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

 

2. Người học theo chế độ cử tuyển có những nghĩa vụ sau đây:

 

a) Cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp;

 

b) Chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công;

 

c) Phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo theo mức quy định tại Điều 13 Nghị định này nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 Nghị định này.”.

 

Và tại Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo như sau:

 

“Điều 12. Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo

 

Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo:

 

1. Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận.

 

2. Người không chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định này sau khi tốt nghiệp.

 

3. Người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.

 

4. Người bị kỷ luật không được xét tuyển vào vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.”.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, vợ bạn có thể phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo nếu có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì vợ bạn được cử đi học nhưng theo diện tự túc 100% chi phí. Do đó, trong trường hợp này phải căn cứ theo cam kết, thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa các bên để giải quyết.

 

Trường hợp trong cam kết hoặc hợp đồng nêu rõ, trong mọi trường hợp nếu thôi việc trước thời gian quy định phải bồi thường thì sẽ căn cứ theo cam kết để thực hiện bồi thường. Trường hợp hai bên không có cam kết hoặc trong cam kết không quy định về việc bồi thường thì đơn vị sẽ không có căn cứ yêu cầu vợ bạn thực hiện bồi thường.

 

Ngoài ra, về vấn đề bằng tốt nghiệp thì Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ có quyền nhận bàn giao hồ sơ, bằng tốt nghiệp của người theo học chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp (theo quy định tại Điều 11 Nghị định 134/2006/NĐ-CP). Do vậy, việc sở giữ lại bằng tốt nghiệp của vợ bạn là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, vợ bạn có thể làm đơn đề nghị để yêu cầu phía sở trả lại bằng tốt nghiệp cho mình.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo