Lò Thị Loan

Trong thời gian thử việc mà muốn nghỉ thì có phải báo trước không?

Thử việc là hoạt động của người sử dụng lao động đối với yêu cầu người lao động, cũng như sự hòa nhập của người lao động. Vậy trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thời gian thử việc là 03 tháng, khi không muốn tiếp tục làm việc thì có phải báo trước cho người sử dụng lao động biết không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn.

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về thử việc.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về thử việc như:

+ Nắm được thời gian của người thử việc;

+ Nắm được quy định về tiền lương và nguyên tắc trả lương thử việc;

+ Biết được những trường hợp nào người lao động được xin nghỉ việc khi đang trong thời gian thử việc;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật về thử việc.

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư. E có 1 số vấn đề cần tư vấn. Rất mong nhận dc giúp đỡ từ luật sư: Em làm cho 1 công ty làm về cơ khí. Khi vào làm không có ký hợp đồng lao động. Chỉ thoả thuận bằng miệng là sẽ làm thử việc trong vòng 3 tháng với mức lương 8 triệu/ tháng. Tiền lương sẽ được trả vào ngày 15 hàng tháng. Tháng đầu tiên em nhận đủ lương đúng ngày. Nhưng đến tháng thứ 2 thấy công ty có vấn đề luôn chậm trả lương cho mọi người và đến ngày nhận lương của tháng thứ 2 em không nhận được lương. Lên văn phòng hỏi mấy lần thì kế toán chỉ nói là đang trình sếp ký. Hỏi hoài không thấy trả lời. Sau đó em có thông báo với công ty là xin nghỉ việc sau 14 ngày làm việc nữa. Tới hạn mà em xin nghỉ thì công ty báo là không cho phép nghỉ. Nhưng vì em đã báo trước thời gian như vậy mà công ty không trả lời là cho nghỉ hay không mà đợi tới ngày hạn đó mới báo là không cho nghỉ. Trong thời gian đó em đã đăng ký đi lao động nước ngoài và không thể hoãn lại  được, và giờ phía công ty không trả lương cho em. Như vậy là đúng hay sai.  Trong thời gian thử việc em đã báo trước gần nửa tháng như vậy thì có đúng về pháp luật không. Và em nên làm gì để nhận được phần lương của mình ạ. Nhờ luật sư tư vấn giúp e ạ. Chân thành cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, thời gian thử việc và trả lương.

Căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thử việc như sau:

“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc”.

Pháp luật không bắt buộc thử việc phải được lập thành văn bản (hợp đồng thử việc), do đó người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng miệng về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:

“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1.Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”.

Theo đó, thời gian thử việc sẽ phải căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và thời gian tối đa là 60 ngày (đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên), không quá 30 ngày (đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn trung cấp,...), không quá 6 ngày đối với công việc khác. Do vậy, hai bên thỏa thuận thời gian thử việc là 03 tháng là trái với quy định của Bộ luật Lao động 2012, nên khi hết thời gian thử việc theo quy định tại Điều 27 trên thì thời gian còn lại sẽ được xác định là hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Về nguyên tắc trả lương, căn cứ theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”.

Như vậy, công ty phải có nghĩa vụ trả lương thử việc tháng thứ hai cho bạn đầy đủ và đúng hạn như đã thỏa thuận, trường hợp không thể trả đúng hạn thì cũng không được chậm quá 01 tháng và công ty còn phải trả thêm một khoản tiền theo quy định tại Điều 96 trên. Nếu công ty không trả thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Ban Giám đốc Công ty yêu cầu giải quyết, trường hợp không được thì bạn có thể làm đơn gửi đến Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được phối hợp giải quyết hoặc nộp đơn khởi kiện lên Tòa án.

Thứ hai, vấn đề xin nghỉ việc.

Khi hợp đồng lao động của bạn được xác định là hợp đồng lao động có thời hạn (ít nhất là 12 tháng), bạn muốn nghỉ việc thì phải có một trong số các căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

...”.

Theo đó, bạn phải bảo đảm đáp ứng được một trong số những điều kiện này mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, phải bảo đảm về thời gian báo trước cho công ty biết theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 như sau

“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

...”.

Hợp đồng lao động xác định thời hạn thì khi nghỉ bạn phải báo trước ít nhất 30 ngày, trường hợp bạn xin nghỉ do công ty không trả lương đúng hạn như đã thỏa thuận thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không cần phải có sự đồng ý của bên công ty, nhưng phải cho công ty biết trướng ít nhất 3 ngày đối với trường hợp này.

 Do vậy, nếu bạn nghỉ trong thời gian thử việc (trong hai tháng thử việc) thì bạn không phải báo trước, nếu trong tháng thứ 3 mà nghỉ thì phải bảo đảm thời gian báo trước như chúng tôi đã phân tích ở trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo